Kiểm toán (Audit) là gì? Sự cần thiết khách quan của kiểm toán trong nền kinh tế thị trường
Mục Lục
Kiểm toán (Audit)
Kiểm toán trong tiếng Anh là audit.
Cho đến nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về kiểm toán. Tuy nhiên, quan niệm về kiểm toán cũng đã có sự biến đổi cùng với sự phát triển của kiểm toán.
Khái niệm được chấp nhận phổ biến hiện nay là: "Kiểm toán (Audit) là quá trình các kiểm toán viên độc lập và có năng lực tiến hành thu thập và đánh giá các bằng chứng về các thông tin được kiểm toán nhằm xác nhận và báo cáo về mức độ phù hợp giữa các thông tin này với các chuẩn mực đã được thiết lập".
Sự cần thiết khách quan của kiểm toán trong nền kinh tế thị trường
Kiểm toán ra đời, phát triển do yêu cầu quản lí và phục vụ cho quản lí. Một trong các cơ sở để đưa các quyết định quản lí là các thông tin có liên quan được cung cấp; tuy nhiên, các thông tin này thường chứa đựng rủi ro bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Các thông tin này cần phải được thẩm định bởi người có chuyên môn mới có độ tin cậy cho nhà quản lí sử dụng.
Kế toán cung cấp thông tin kinh tế phục vụ quản lí. Xã hội càng phát triển, thông tin kế toán ngày càng được mở rộng, đa dạng, phức tạp và chứa đựng nhiều rủi ro. Đồng thời xuất hiện càng nhiều đối tượng quan tâm và sử dụng các thông tin kế toán. Xã hội mà càng phát triển, nền kinh tế thị trường càng phức tạp, thông tin kinh tế càng có nguy cơ chứa dựng nhiều rủi ro, sai lệch, thiếu tin cậy. Thực trạng này xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Khoảng cách lớn giữa người người sử dụng thông tin và người cung cấp thông tin và sự điều chỉnh thông tin có lợi cho người người cung cấp thông tin;
- Khối lượng thông tin quá nhiều, khả năng chứa đựng những thông tin sai lệch trong những thông tin đúng đắn ngày càng tăng;
- Tính phức tạp cả thông tin và nghiệp vụ kinh tế ngày càng tăng;
- Khả năng thông đồng trong xử lí thông tin có lợi cho người cung cấp thông tin ngày càng lớn dẫn đến rủi ro thông tin ngày càng cao.
Sự cần thiết của kiểm toán còn được thể hiện thông qua những tác dụng mà kiểm toán mang lại cho nền kinh tế, đó là:
+ Kiểm toán tạo niềm tin cho những đối tượng quan tâm tới tình hình tài chính của đơn vị và sự phản ánh của tình hình này trong các tài liệu kế toán và báo cáo tài chính. Các đối tượng quan tâm như: Chính phủ để quản lí nền kinh tế vĩ mô và để thu thuế; các nhà đầu tư để đầu tư vốn; các ngân hàng để cho doanh nghiệp vay vốn; các cổ đông để mua cổ phiếu.v.v.
+ Kiểm toán góp phần hướng dẫn nghiệp vụ và ổn định, củng cố hoạt động tài chính, kế toán nói riêng và hoạt động của các đơn vị được kiểm toán nói chung. Thông qua kiểm toán, khi phát hiện gian lận sai sót, kiểm toán viên uốn nắn, chỉ dẫn và đề nghị doanh nghiệp sửa chữa, tư vấn giúp doanh nghiệp ổn định và kinh doanh hiệu quả.
+ Kiểm toán góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực quản lí. Do tính chất xã hội, môi trường, hiện tại, tương lai, xu hướng đa phương hóa đầu tư và mở rộng quan hệ có lợi về kinh tế... ngày càng phức tạp và mở rộng, kiểm toán còn có chức năng tư vấn cho các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán nhằm kinh doanh hiệu quả, hạn chế rủi ro.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Lý thuyết kiểm toán, Chủ biên: TS. Nguyễn Viết Lợi, Ths. Đậu Ngọc Châu, năm 2013, NXB Tài chính)