Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) là gì?
Mục Lục
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong tiếng Anh gọi là: Global Innovation Index - GII.
Chỉ số Đổi mới toàn cầu là chỉ số nhằm đánh giá năng lực và kết quả đổi mới của các nền kinh tế thế giới, do WIPO, Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Viện INSEAD hợp tác thực hiện hàng năm từ năm 2009.
Chỉ số được tổng hợp từ 84 chỉ tiêu trong các linh vực : Thể chế; Nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu; Kết cấu hạ tầng; Sự tinh tế của thị trường và doanh nghiệp; Sản phẩm tri thức và công nghệ; Sản phẩm sáng tạo.
(Theo Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam)
Ý tưởng về bộ Chỉ số Đổi mới toàn cầu (Global Innovation Index, viết tắt là GII) được đưa ra bởi Giáo sư Dutta của Viện INSEAD năm 2007.
Với mục tiêu duy nhất nhằm xác định làm thế nào để có được những số liệu và phương pháp tiếp cận cho phép nắm bắt tốt hơn mức độ của đổi mới sáng tạo (ĐMST) và hiệu quả của hệ thống ĐMST của các quốc gia, nền kinh tế.
Thách thức lớn là tìm số liệu phản ánh trung thực ĐMST trên thế giới. Các phép đo trực tiếp đầu ra của ĐMST hiện nay vẫn còn thiếu hụt.
Đa phần các thống kê hiện có đã phải tự điều chỉnh để nắm bắt được con số đầu ra của ĐMST ở tầm rộng hơn của thành tố ĐMST, chẳng hạn như các lĩnh vực dịch vụ hoặc tổ chức công.
Chỉ số GII là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực của các hệ thống ĐMST quốc gia, được Trường kinh doanh INSEAD (Pháp) xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007.
Sau đó, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Đại học Cornell (Hoa Kỳ) đã tham gia để phát triển phương pháp luận và xây dựng mô hình đánh giá phù hợp hơn.
Bộ công cụ đo này được cho là tốt hơn, phong phú và xác đáng hơn so với các thước đo ĐMST truyền thống như số lượng các bài báo nghiên cứu được công bố, số đăng kí bằng sáng chế hay chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (NC&PT).
Giải thích các thuật ngữ liên quan
- ĐMST được định nghĩa là:
Việc đưa ra một sản phẩm (hàng hóa hoặc dịch vụ) mới hoặc một sản phẩm được cải tiến đáng kể, hoặc đưa ra và thực hiện qui trình công nghệ mới, phương pháp tiếp thị mới, một phương pháp tổ chức mới trong hoạt động kinh doanh, trong tổ chức nơi làm việc hoặc trong quan hệ với bên ngoài (OECD, 2005).
ĐMST thường cần tới nhiều loại hoạt động, không chỉ nghiên cứu và phát triển (R&D), mà còn những hoạt động khác như thay đổi về tổ chức, đào tạo, kiểm nghiệm, tiếp thị và đặc biệt là thiết kế.
- Hệ thống ĐMST quốc gia là:
Một hệ thống mở, tiến hóa và phức tạp, bao gồm những quan hệ bên trong mỗi tổ chức và giữa các tổ chức, thể chế và cấu trúc kinh tế - xã hội, qui định tốc độ và đường hướng đổi mới cũng như việc xây dựng năng lực chuyên môn xuất phát từ quá trình học hỏi dựa trên khoa học và học hỏi dựa trên kinh nghiệm.
(Tài liệu tham khảo: Sổ tay hướng dẫn chỉ số đổi mới sáng tạo (GII), Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ)