Chi phí (Cost) theo quan điểm marketing là gì?
Mục Lục
Khái niệm chi phí
Chi phí trong tiếng Anh gọi là Cost.
Chi phí của một hàng hóa đối với khách hàng chính là tổng số phí tổn mà người khách hàng phải bỏ ra để có được hàng hóa đó, bao gồm các chi phí bằng tiền, phí tổn về thời gian, sức lực và tinh thần.
Tổng chi phí của khách hàng để nhận được hàng hóa = Giá tiền và chi phí sử dụng + phí tổn thời gian + công sức + phí tổn tinh thần.
Chi phí bằng tiền lại bao gồm cả giá mua và chi phí phát sinh trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Những phí tổn này đôi khi đã không được người tiêu dùng tính toán một cách đầy đủ. Chi phí hay cái giá mà người tiêu dùng phải trả để có được hàng hóa vẫn là một tiêu chuẩn lựa chọn quan trọng khi mua hàng. Tiêu chuẩn mua này đặc biệt quan trọng đối với những nhóm khách hàng có sức mua thấp (khách hàng mua theo định hướng giá cả).
Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn cần phải coi cạnh tranh về giá là một hướng cạnh tranh quan trọng trên thị trường. Một hướng để tạo lợi thế cạnh tranh là giảm chi phí cho khách hàng.
Giá trị khách hàng thực nhận (giá trị dành cho khách hàng) là chênh lệch giữa tổng giá trị khách hàng nhận được và tổng chi phí mà họ phải bỏ ra. Vì vậy, để tăng giá trị khách hàng thực nhận, các doanh nghiệp thường theo đuổi một số hướng sau:
(1) Tăng giá trị cung ứng cho khách hàng và giữ nguyên chi phí.
(2) Giữ nguyên giá trị cung ứng cho khách hàng nhưng giảm phí tổn cho họ.
(3) Tăng giá trị cung ứng cho khách hàng lớn hơn mức độ tăng phí tổn của họ.
(4) Giảm phí tổn cho khách hàng nhiều hơn mức giảm giá trị cung ứng cho họ.
Phân loại chi phí của doanh nghiệp
Căn cứ theo theo nội dung kinh tế chia thành : Chi phí vật tư mua ngoài, chi phí tiền lương và các khoản trích theo lương, chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí bằng tiền khác...
Căn cứ theo công dụng kinh tế chia thành các loại bao gồm: chi phí vật tư trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung, chi phí bán hàng, chi phí quản lí doanh nghiệp,
Căn cứ theo mối quan hệ chi phí với quy mô sản xuất kinh doanh chia thành: Chi phí biến đổi, chi phí cố định.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân).