Chi phí dài hạn (Long-term Costs) là gì?
Mục Lục
Chi phí dài hạn (Long-term Costs)
Chi phí dài hạn trong tiếng Anh gọi là Long-term Costs.
Chi phí dài hạn là chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời kỳ đủ dài để tất cả các yếu tố sản xuất đầu vào đều có thể biến đổi theo sản lượng sản xuất. Trong dài hạn không còn yếu tố sản xuất cố định nữa và như vậy không còn chi phí cố định.
Biểu đồ đường Chi phí bình quân dài hạn
Nếu bao các đường cong tổng chi phí ngắn hạn (ATC) ứng với các mức sản lượng (Q) khác nhau thì các đường bao ấy biểu thị đường chi phí bình quân dài hạn (LAC), nó cho biết chi phí bình quân thấp nhất để có thể sản xuất ra một sản lượng tương ứng trong dài hạn (hình 6).
Đường bao LAC có dạng hình chữ U, điều này có nghĩa là khi điều chỉnh quy mô sản xuất trong dài hạn thì chi phí bình quân (ATC) có thể giảm, không đổi hoặc tăng.
Trong dài hạn, doanh nghiệp có khả năng thay đổi tất cả các yếu tố đầu vào để đạt được sản lượng mong muốn, tuy hiên khi thay đổi các yếu tố sản xuất đầu vào cần lưu ý đến vấn đề hiệu suất của quy mô (mối quan hệ giữa đầu ra và chi phí đầu vào của sản xuất):
- Nếu tăng yếu tố sản xuất đầu vào 1% mà sản lượng tăng lớn hơn 1% thì đó là trường hợp hiệu suất tăng dần theo quy mô hay giảm phí nhờ quy mô. Đường cong LAC trong trường hợp này có dạng dốc xuống dưới về phía phải.
Hiện tượng hiệu suất tăng dần theo quy mô xuất hiện do nhiều nguyên nhân: sản lượng tăng cho phép chuyên môn hóa lao động và sử dụng các thiết bị sản xuất chuyên dùng, sản lượng không đòi hỏi chi phí quản lý và do đó làm giảm chi phí bình quân tính cho một đơn vị sản phẩm sản xuất,…
- Nếu tăng các yếu tố sản xuất đầu vào 1% mà sản lượng tăng nhỏ hơn 1% thì đó là trường hợp hiệu suất giảm dần theo quy mô hay tăng phí vì quy mô. Đường cong LAC trong trường hợp này có dạng dốc lên trên về phía phải.
Hiện tượng hiệu suất giảm dần theo quy mô cũng có thể xảy ra vì khi tăng quy mô quá lớn đòi hỏi gia tăng chi phí quản lý hoặc làm cho quá trình xử lý các thông tin quản lý khó khăn, các quyết định quản lý chậm trễ,..
- Nếu tăng các yêu tố sản xuất đầu vào 1% mà sản lượng tăng 1% thì đó là trường hợp hiệu suất cố định theo quy mô. Đường cong LAC trong trường hợp này có dạng song song với trục sản lượng (Q).
Vì tăng quy mô sản xuất có thể làm thay đổi hiệu suất như đã nói trên, nên khi xác định quy mô sản xuất cần thiết có tính toán và cân nhắc một cách cẩn trọng.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế học dành cho kỹ sư kinh tế, NXB Xây Dựng)