Lí thuyết cực tăng trưởng (Growth poles theory) là gì?
Mục Lục
Lí thuyết cực tăng trưởng
Lí thuyết cực tăng trưởng trong tiếng Anh gọi là: Growth poles theory.
Lí thuyết cực tăng trưởng do Francois Perroux đưa ra vào năm 1956 - sau đó được một số nhà nghiên cứu kinh tế vùng nghiên cứu và phát triển bổ sung thêm.
Nội dung của lí thuyết cho rằng:
Một vùng không có sự phát triển đồng đều ở mọi điểm trên lãnh thổ của nó theo cùng một thời gian, mà có xu hướng phát triển mạnh ở một số điểm nào đó. Trong khi đó ở một số nơi khác chậm phát triển hơn hoặc bị trì trệ.
Các điểm phát triển mạnh và nhanh này thường có ưu thế, lợi thế so với toàn vùng và được gọi là các cực tăng trưởng (vị trí trung tâm).
Một cực tăng trưởng được định nghĩa là một tập hợp các ngành (sản xuất dịch vụ công cộng) có khả năng tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế vùng lãnh thổ (chủ yếu là công nghiệp - dịch vụ).
Thực chất đây là quá trình tập trung hóa lãnh thổ. Cực tăng trưởng là điểm có lợi thế nhờ vị trí thuận lợi. Có kết cấu hạ tầng phát triển.
Nhờ sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất được bố trí cạnh nhau cho phép giảm chi phí sản xuất, thu hút được nhiều đầu tư hơn vùng có tốc độ tăng trưởng cao hơn có khả năng tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế lãnh thổ.
Tác động của cực tăng trưởng
Tác động của vùng cực đến phát triển toàn bộ nền kinh tế lãnh thổ cho thấy sự thể hiện trên hai mặt tác động tích cực và tác động tiêu cực hay còn gọi là hiệu ứng lan tỏa và hiệu ứng phân cực.
Hiệu ứng lan tỏa là sự tác động tích cực của sự phát triển của vùng cực đến vùng xung quanh (các vùng phụ cận) trong phạm vi ảnh hưởng của nó. Các lí do cấu thành hiệu ứng lan tỏa là:
- Phân bố lại các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ;
- Truyền bá thông tin và các tiến bộ công nghệ;
- Truyền bá các ngành nghề và dịch vụ mới để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và sử dụng các nguồn lực (yếu tố sản xuất) có hiệu quả hơn;
- Đồng thời cũng tiến hành phi tập trung hóa dân cư và lao động.
Hiệu ứng phân cực là sự ảnh hưởng tiêu cực của sự tăng trưởng của một cực tới phạm vi ảnh hưởng của nó. Các tác động tiêu cực được thể hiện như là:
- Tăng sự chênh lệch trong thu nhập bình quân đầu người giữa vùng phát triển và vùng chưa phát triển. Tăng bất bình đẳng vùng.
- Thu hút các nguồn lực (vốn tài nguyên lao động vào sự phát triển của vùng phát triển làm ảnh hưởng tiêu cực tới vùng chậm phát triển làm cho vùng chậm phát triển đã khó khăn lại khó khăn hơn.
(Tài liệu tham khảo: Kinh tế và chính sách phát triển vùng, Đại học Kinh tế Quốc dân)