Chế độ tỉ giá thả nổi có quản lí (A Managed Floating Exchange Rate) là gì?
Mục Lục
Chế độ tỉ giá thả nổi có quản lí (A Managed Floating Exchange Rate)
Chế độ tỉ giá thả nổi có quản lí trong tiếng Anh gọi là A Managed Floating Exchange Rate.
Chế độ tỉ giá thả nổi có quản lí là chế độ mà trong đó tỉ giá biến động theo quan hệ cung cầu trên thị trường và ngân hàng trung ương có tiến hành can thiệp trên thị trường ngoại hối nhằm ảnh hưởng lên tỉ giá nhưng ngân hàng trung ương không cam kết duy trì một tỉ giá cố định hay biên độ dao động nào xung quanh tỉ giá trung tâm.
Trong chế độ này, ngân hàng Trung ương đã nhúng tay vào để điều tiết tỉ giá nên còn gọi là chế độ tỉ giá bẩn (dirty floating).
Chế độ tỉ giá thả nổi có quản lí là sự dung hòa giữa chế độ tỉ giá cố định và chế độ tỉ giá thả nổi tự do. Vì vậy, nó kết hợp được những ưu điểm của cả hai chế độ nhưng đồng thời cũng cho những hạn chế nhất định.
Chế độ này có ưu điểm là tỉ giá tương đối ổn định do đó góp phần ổn định kinh tế, thúc đẩy các quan hệ kinh tế quốc tế. Đảm bảo tính độc lập tương đối của chính sách tiền tệ, hạn chế được những ảnh hưởng do các cú sốc từ bên ngoài đến với kinh tế.
Nhưng để duy trì chế độ này, ngân hàng trung ương cũng phải có lượng ngoại tệ đủ mạnh để can thiệp vào thị trường khi cần thiết và phải xác định mức độ can thiệp phù hợp, nếu không sẽ trở thành chế độ tỉ giá cố định.
Trong thực tế, chế độ tỉ giá được thể hiện cụ thể trong các cơ chế điều hành tỉ giá khác nhau. Cơ chế điều hành tỉ giá là những qui định của một quốc gia phản ánh sự kết hợp khác nhau của các chế độ tỉ giá cố định và thả nổi.
Do vậy, với ba chế độ tỉ giá cơ bản, mỗi nước sẽ có cơ chế điều hành tỉ giá cho riêng mình trong từng thời kì, phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại và xu hướng phát triển trong tương lai.
Nội dung của cơ chế điều hành tỉ giá
Đồng tiền lưu thông (curreny): Nội dung này qui định đồng tiền pháp định chính thức của một quốc gia. Một nước có thể chỉ có một đồng tiền của nước đó được phép lưu hành hoặc sử dụng đồng tiền của nước khác thay thế cho đồng tiền quốc gia.
Đa số các nước lưu hành chính thức đồng tiền độc lập của mình. Một số nước, đặc biệt là những nước nhỏ sử dụng ngoại tệ mạnh như đồng tiền chính thức mặc dù họ vẫn có đồng tiền riêng. Đó là những nước đôla hóa hoàn toàn (như Ecuador). Các nước trong cộng đồng kinh tế Châu Âu sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (EURO).
Khi một nước sử dụng đồng tiền của nước khác hoặc đồng tiền chung, sự phụ thuộc và ràng buộc giữa các nước về các chính sách kinh tế trở nên rất rõ ràng (chủ yếu là các nước đang phát triển).
Cơ cấu tỉ giá (Exchange rate structure): Một quốc gia có thể chỉ có một tỉ giá được gọi là hệ thống tỉ giá thống nhất (một tỉ giá) hoặc nhiều tỉ giá được sử dụng cho các mục đích khác nhau hoặc cho các thể nhân khác nhau (đa tỉ giá).
Khi một nước sử dụng hệ thống đa tỉ giá, yếu tố thị trường phản ánh trong tỉ giá bị bóp méo, tỉ giá không phản ánh đúng quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường,
Thị trường kì hạn (Forward exchange market): Qui định này phản ánh sự kiểm soát của ngân hang trung ương hoặc Chính phủ vào hoạt động của thị trường kì hạn, kể cả giao dịch giao ngay và giao dịch hoán đổi của các chủ thể kinh tế.
Các loại cơ chế điều hành tỉ giá: Chế độ tỉ giá cố định và thả nổi chỉ là hai trường hợp đặc trưng thuộc hai cực trong việc phân loại chế độ tỉ giá.
Do các quốc gia khác nhau có những sự lựa chọn khác nhau, và sự lựa chọn của mỗi quốc gia cũng có thể thay đổi từ thời gian này sang thời gian khác, chính vì vậy trong thực tế đã và đang tồn tại rất nhiều loại chế độ tỉ giá khác nhau. Các chế độ tỉ giá này là sự kết hợp giữa hai chế độ tỉ giá cố định và thả nổi.
(Tài liệu tham khảo, Giáo trình Tiền tệ ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Lao Động)