Chấp phiếu ngân hàng (Banker's Acceptances) là gì? Rủi ro tín dụng chấp phiếu ngân hàng
Mục Lục
Chấp phiếu ngân hàng (Banker's Acceptances)
Chấp phiếu ngân hàng trong tiếng Anh là Banker's Acceptances.
Chấp phiếu ngân hàng (Banker's Acceptances) là giấy cam kết của một ngân hàng (gọi là ngân hàng chấp nhận) trả một khoản tiền nhất định cho người nắm giữ chấp phiếu vào một ngày nhất định được ghi rõ trên chấp phiếu.
Đặc điểm
Chấp phiếu ngân hàng thực chất là thương phiếu do doanh nghiệp phát hành được ngân hàng cam kết thanh toán cho người thụ hưởng một số tiền nhất định khi đến hạn bằng cách đóng dấu đã chấp nhận (Accepted) lên thương phiếu.
Chấp phiếu ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các giao dịch mua bán chịu hàng hóa quốc tế. Khi mà các đối tác chưa biết rõ về nhau, chấp phiếu ngân hàng là một phương tiện đảm bảo chắc chắn khoản tiền thanh toán tiền hàng của bên bán sẽ được ngân hàng bên mua đảm bảo trả thay cho khách hàng của mình. Vì vậy chấp phiếu ngân hàng còn được gọi là thuận nhận ngân hàng.
Những ngân hàng tạo ra chấp phiếu ngân hàng được gọi là ngân hàng chấp nhận. Chấp phiếu ngân hàng sau khi được phát hành cho đến khi đáo hạn có thể được giao dịch trên thị trường tiền tệ thông qua phương thức chiết khấu, tương tự như tín phiếu kho bạc hay thương phiếu.
Nhà đầu tư chủ yếu vào chấp phiếu ngân hàng
Nhà đầu tư chủ yếu vào chấp phiếu ngân hàng là các quỹ đầu tư thị trường tiền tệ với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận những khoản đầu tư ngắn hạn. Các ngân hàng chấp nhận cũng có thể giữ chấp phiếu ngân hàng trong danh mục cho vay của họ và có thể sử dụng nó làm tài sản thế chấp cho một khoản vay chiết khấu từ FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) nếu chấp phiếu ngân hàng đó đủ điều kiện.
Những chấp phiếu không đủ điều kiện được yêu cầu phải có một tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với lượng tiền huy động từ chấp phiếu ngân hàng, vì chấp phiếu ngân hàng được bán ra bởi một ngân hàng chấp nhận chính là nghĩa vụ trả nợ tiềm năng của ngân hàng đó.
Rủi ro tín dụng chấp phiếu ngân hàng
Người nắm giữ chấp phiếu ngân hàng đương nhiên gánh chịu rủi ro tín dụng. Đó là rủi ro người vay (ngân hàng chấp nhận) sẽ không thể trả vốn gốc khi đến hạn. Lãi suất thị trường (lãi suất chiết khấu) mà chấp phiếu ngân hàng đưa ra cho nhà đầu tư phản ánh rủi ro này. Song, lãi suất này thường là thấp vì nguy cơ vỡ nợ trong ngắn hạn của các ngân hàng chấp nhận là rất thấp.
Tuy nhiên, lãi suất của chấp phiếu ngân hàng vẫn cao hơn tín phiếu kho bạc cùng thời kì, công cụ luôn được xem là tài sản phi rủi ro. Lợi suất của chấp phiếu ngân hàng có thể bao gồm phần bù đắp rủi ro cho khả năng thanh khoản tương đối thấp và một thị trường giao dịch thứ cấp kém phát triển hơn nhiều so với tín phiếu kho bạc.
Tuy nhiên, mức chênh lệch lợi suất này không cố định theo thời gian. Sự thay đổi của mức chênh lệch lợi suất cho thấy sự thay đổi kết quả đánh giá của nhà đầu tư về sự khác biệt rủi ro và thanh khoản giữa các tài sản.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường tài chính và các định chế tài chính, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)