Cầu quĩ cho vay (Bridge Loan Funds) là gì? Các nhân tố ảnh hưởng
Mục Lục
Cầu quĩ cho vay (Bridge Loan Funds)
Cầu quĩ cho vay trong tiếng Anh gọi là Bridge Loan Funds.
Cầu quĩ cho vay là nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng của các chủ thể khác nhau trong nền kinh tế. Cầu quĩ cho vay được cấu thành từ nhu cầu vay của các doanh nghiệp và hộ gia đình, nhu cầu vay vốn của khu vực Chính phủ và nhu cầu vay vốn của chủ thể nước ngoài.
Doanh nghiệp và hộ gia đình vay vốn nhằm mục đích đầu tư và trang trải các chi phí liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu dùng. Trong điều kiện các yếu tố ngoại sinh (lạm phát dự tính, khả năng sinh lợi dự tính của các cơ hội đầu tư) không đổi, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và gia đình rất nhạy cảm với biến động lãi suất.
Chính phủ và khu vực Chính phủ phát sinh nhu cầu vốn nhằm bù đắp thiếu hụt Ngân sách Nhà nước. Nhu cầu này độc lập với sự biến động của lãi suất. Các chủ thể nước ngoài bao gồm doanh nghiệp, Chính phủ nước ngoài, các tổ chức trung gian tài chính nước ngoài.
Nhu cầu vốn của loại chủ thể này phản ứng với sự chênh lệch lãi suất giữa hai quốc gia và phụ thuộc rất nhiều vào mức độ mở cửa và khả năng di chuyển vốn giữa hai nước.
Tổng hợp lại, cả ba bộ phận trên tạo thành cầu quĩ cho vay của xã hội, biến động ngược chiều với lãi suất. Vì lẽ đó, đường cầu biểu diễn mối quan hệ giữa lãi suất và cầu quĩ cho vay là đường dốc xuống. Độ dốc càng thoải phản ánh mức độ nhạy cảm càng cao của lượng cầu quĩ cho vay đối với mỗi phần trăm lãi suất thay đổi.
Những nhân tố làm dịch chuyển vị trí của đường cầu quĩ cho vay
Những nhân tố làm dịch chuyển vị trí của đường cầu quĩ cho vay bao gồm:
Lợi tức dự tính của các cơ hội đầu tư
Trong giai đoạn đang tăng trưởng của nền kinh tế, có nhiều cơ hội đầu tư được trông đợi là sinh lợi, làm tăng nhu cầu vay vốn để tài trợ cho các dự án đầu tư của các doanh nghiệp.
Lượng cầu quĩ cho vay tăng lên ở mọi mức lãi suất và đường cầu quĩ cho vay dịch chuyển sang phải, lãi suất tăng. Ngược lại, trong giai đoạn đang suy thoái của nền kinh tế, sự giảm sút các cơ hội đầu tư có khả năng sinh lợi làm lượng cầu quĩ cho vay giảm, đường cầu quĩ cho vay dịch chuyển sang trái, lãi suất giảm.
Lạm phát dự tính
Sự tăng lên của mức lạm phát dự tính làm cho chi phí thực dự tính của việc vay tiên ở mọi mức lãi suất cho trước giảm xuống. Người vay vốn được lợi. Điều này làm tăng nhu cầu vay vốn của các chủ thể kinh tế, lượng cầu quĩ cho vay tăng ở mọi mức lãi suất và đường cầu quĩ cho vay dịch chuyển sang phải, lãi suất tăng.
Sự giảm xuống của lạm phát dự tính có tác động ngược lại, cầu quĩ cho vay ở mọi mức lãi suất khi đó giảm đi, đường cầu quĩ cho vay dịch chuyển sang trái, lãi suất giảm.
Tình trạng thâm hụt Ngân sách Nhà nước
Khi mức bội chi Ngân sách Nhà nước tăng, nhu cầu vay vốn từ công chúng để tài trợ thiếu hụt ngân sách của Nhà nước tăng ở mọi mức lãi suất làm tăng lượng cầu quĩ cho vay, đường cầu quĩ cho vay dịch chuyển sang phải, lãi suất tăng.
Ngoài ra, hành vi phát hành công cụ nợ để huy động vốn tài trợ nhu cầu thâm hụt ngân sách địa phương của chính quyền địa phương hoặc huy động vốn của các cơ quan Chính phủ khác cũng có thể tác động đến lượng cầu quĩ cho vay theo chiều tăng lên và sự dịch chuyển sang phải của đường cầu quĩ cho vay.
(Tài liệu tham khảo, Giáo trình Tiền tệ ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Lao Động)