Cạnh tranh rộng rãi có sơ tuyển (Open Bidding with Pre-Qualification) trong đấu thầu là gì?
Mục Lục
Cạnh tranh rộng rãi có sơ tuyển (Open Bidding with Pre-Qualification)
Cạnh tranh rộng rãi có sơ tuyển - danh từ, tiếng Anh có thể dùng bởi cụm từ Open Bidding with Pre-Qualification.
Cạnh tranh rộng rãi có sơ tuyển là việc bên mời thầu lựa chọn những nhà thầu có đủ năng lực kĩ thuật và tài chính thông qua hồ sơ dự thầu sơ tuyển để tham gia đấu thầu. Sơ tuyển được thực hiện trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu chính thức.
Sơ tuyển thường được áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu phức tạp về kĩ thuật hoặc có qui mô lớn nên không nhiều nhà thầu có khả năng thực hiện được. Tất cả nhà thầu có mong muốn tham gia sơ tuyển đều được tiếp cận hồ sơ mời thầu sơ tuyển, vì thế nên hình thức này gọi là cạnh tranh rộng rãi có sơ tuyển. (Theo Giáo trình Đấu thầu, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)
Ưu điểm và hạn chế của hình thức cạnh tranh rộng rãi có sơ tuyển
Số lượng các nhà thầu tham gia sơ tuyển cũng như số lượng nhà thầu đáp ứng yêu cầu sơ tuyển là không han chế, nhưng chỉ những nhà thầu trúng sơ tuyển mới được tham gia đấu thầu chính thức.
Để đảm bảo nguyên tắc công khai, danh sách các nhà thầu trúng sơ tuyển được đăng tải trên các phương tiện thông tin phù hợp trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Ưu điểm
Vai trò của sơ tuyển là tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả bên mời thầu và các nhà thầu trong quá trình tổ chức và tham gia đấu thầu. Các nhà thầu không đủ năng lực sẽ không mất thêm thời gian và chi phí lập hồ sơ dự thầu, còn đối với các nhà thầu có năng lực thì sơ tuyển làm tăng tính hấp dẫn của gói thầu.
Với bên mời thầu, việc thực hiện sơ tuyển có thể làm tăng thời gian và chi phí cho tổ chức sở tuyển, song lại tiết kiệm được chi phí và thời gian cho việc đánh giá hồ sơ dự thầu. Và quan trọng hơn, đó là các nhà thầu đạt yêu cầu sơ tuyển sẽ có năng lực tương đối đồng nhất, điều này khiến chất lượng hồ sơ dự tuyển tốt hơn, tạo sự an tâm cho bên mời thầu.
Hạn chế
Tuy nhiên, đôi khi sơ tuyển cũng mang lại cho bên mời thầu một số khó khăn. Nếu các tiêu chuẩn sơ tuyển thấp hơn so với yêu cầu thực tế của gói thầu, sẽ có rất nhiều nhà thầu trúng sơ tuyển và việc sơ tuyển không có tác dụng, bên mời thầu lại lãng phí thời gian và chi phí cho việc sơ tuyển.
Ngược lại, nếu các tiêu chuẩn lựa chọn cao hơn yêu cầu thực tế của gói thầu, rất ít nhà thầu có thể trúng sơ tuyển mặc dù có nhiều nhà thầu tham gia. Điều này hạn chế tính cạnh tranh trong quá trình lựa chọn nhà thầu sau này. Trong trường hợp cần thiết, bên mời thầu thậm chí phải tiến hành sơ tuyển lại, làm tăng thời gain, chi phí cho việc tổ chức đấu thầu. (Theo Giáo trình Đấu thầu, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)