Ngành kinh tế (Economic sectors) là gì? Các ngành cơ bản
Mục Lục
Ngành kinh tế
Ngành kinh tế trong tiếng Anh được gọi là Economic sectors.
Ngành kinh tế là một bộ phận của nền kinh tế chuyên tạo ra hàng hóa và dịch vụ.
Trong nền kinh tế phong kiến, cơ cấu ngành kinh tế còn nghèo nàn, các hoạt động kinh tế ở qui mô nhỏ, manh mún. Ngành kinh tế chủ yếu khi đó là nông nghiệp và thương mại.
Các ngành kinh tế được đa dạng hóa và hình thành như hiện nay bắt đầu từ những năm 1800 (hơn 2 thế kỉ trước), và kể từ đó liên tục phát triển cho đến ngày nay với sự trợ giúp của tiến bộ công nghệ.
Rất nhiều nước phát triển (như Hoa Kỳ, Anh quốc, Canada) phụ thuộc sâu sắc vào khu vực sản xuất.
Các quốc gia, các nền kinh tế và các ngành công nghiệp của các quốc gia đó đan xen, liên kết, tương tác nhau trong một mạng lưới phức tạp mà không dễ hiểu biết tường tận nếu chỉ nghiên cứu sơ sài.
Một xu hướng gần đây là sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế khi các quốc gia công nghiệp tiến tới xã hội hậu công nghiệp.
Điều này thể hiện ở sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ trong khi tỉ lệ của công nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm xuống, và sự phát triển của nền kinh tế thông tin, còn được gọi là cuộc cách mạng thông tin.
Ở xã hội hậu công nghiệp, lĩnh vực chế tạo được tái cơ cấu, điều chỉnh thông qua quá trình "offshoring" (chuyển dần các giai đoạn sản xuất ít giá trị gia tăng ra nước ngoài).
Các ngành kinh tế cơ bản
- Lĩnh vực sản xuất sơ khai gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khai mỏ và khai khoáng.
- Khu vực hai của nền kinh tế bao gồm công nghiệp và xây dựng.
- Khu vực thứ ba chính là khu vực dịch vụ: giao thông, tài chính, ăn uống, du lịch, giải trí,...
- Khu vực thứ tư - khu vực tri thức: Hiện nay có xu hướng tách một số ngành trong khu vực dịch vụ gồm giáo dục, nghiên cứu và phát triển, thông tin, tư vấn thành một khu vực riêng.
(Tài liệu tham khảo: Tiếng Việt ngành Kinh tế, TS Đỗ Hồng Dương, 2012, Đại học Quốc gia Hà Nội)