Bộ xử lí đồ họa (Graphics Processing Unit - GPU) là gì? Vai trò của GPU đối với tiền mã hóa
Mục Lục
Bộ xử lí đồ họa
Bộ xử lí đồ họa trong tiếng Anh là Graphics Processing Unit, viết tắt là GPU.
Bộ xử lí đồ họa (GPU) là chip hoặc mạch điện tử có khả năng kết xuất đồ họa để hiển thị trên thiết bị điện tử.
GPU hoạt động như thế nào?
GPU được giới thiệu ra một thị trường rộng lớn hơn vào năm 1999 và được biết đến với công dụng trong việc cung cấp đồ họa mượt mà, mà người tiêu dùng mong đợi trong các video và trò chơi hiện đại.
Đồ họa trong video và trò chơi bao gồm các tọa độ đa giác được chuyển đổi thành bitmap (một quá trình được gọi là kết xuất đồ họa - rendering), và sau đó thành các tín hiệu được hiển thị trên màn hình. Việc chuyển đổi này đòi hỏi GPU phải có nhiều năng lực xử lí, điều này cũng giúp GPU trở nên hữu dụng trong học máy, trí tuệ nhân tạo và các tác vụ khác đòi hỏi một số lượng lớn các tính toán phức tạp và tinh vi.
Trước khi GPU xuất hiện vào cuối những năm 1990, kết xuất đồ họa đã được xử lí bởi Bộ xử lí trung tâm (Central Processing Unit - CPU). Khi được sử dụng cùng với CPU, GPU có thể gia tăng hiệu suất máy tính bằng cách đảm nhận một số chức năng tính toán chuyên sâu.
Điều này giúp tăng tốc độ các ứng dụng có thể xử lí nhanh hơn vì GPU có thể thực hiện nhiều phép tính cùng một lúc. Sự thay đổi này cũng cho phép phát triển phần mềm tiên tiến và sử dụng nhiều tài nguyên hơn.
Xử lí dữ liệu trong GPU hoặc CPU được xử lí bằng lõi. Một bộ xử lí càng có nhiều lõi thì máy tính có thể hoàn thành các tác vụ càng nhanh (và có khả năng hiệu quả hơn). GPU sử dụng hàng ngàn lõi để xử lí các tác vụ song song. Cấu trúc song song của GPU khác với CPU, sử dụng ít lõi hơn để xử lí các nhiệm vụ theo tuần tự. CPU có thể thực hiện các phép tính nhanh hơn GPU, giúp nó hoạt động tốt hơn trong các tác vụ cơ bản.
Thuật ngữ "GPU" thường được sử dụng thay thế cho "cạc đồ họa" (graphics card), mặc dù chúng khác nhau. Cạc đồ họa là một phần cứng chứa một hoặc nhiều GPU, bo mạch chủ và các bộ phận điện tử khác cho phép cạc đồ họa hoạt động.
Tuy nhiên, GPU có thể được tích hợp vào bo mạch chủ hoặc được tìm thấy trong bảng mạch con của của cạc đồ họa. Ban đầu, máy tính cao cấp là những máy tính duy nhất có cạc đồ họa. Ngày nay, hầu hết các máy tính để bàn thường sử dụng một cạc đồ họa riêng với GPU để tăng hiệu suất, thay vì dựa vào GPU được tích hợp trong bo mạch chủ.
Vai trò của GPU đối với tiền mã hóa
Khi ban đầu GPU là phổ biến với những người đam mê chỉnh sửa video và chơi game máy tính, thì sự tăng tưởng nhanh chóng của tiền mã hóa (cryptocurrency) đã tạo ra một thị trường mới. Điều này là do việc khai thác tiền mã hóa đòi hỏi hàng ngàn các tính toán để thêm giao dịch vào chuỗi khối, đây là điều có thể mang lại lợi ích khi truy cập vào GPU và nguồn cung cấp điện không tốn kém.
Trong những năm gần đây, hai nhà sản xuất cạc đồ họa nổi bật là Nvidia Corp và Advanced Micro Devices, đã trải qua sự gia tăng nhanh chóng về doanh số và doanh thu do khai thác tiền mã hóa.
Điều này có tác dụng phụ là làm nản lòng những khách hàng không khai thác, những người thấy giá tăng và nguồn cung thì cạn kiệt. Do đó, các nhà bán lẻ thỉnh thoảng giới hạn số lượng cạc đồ họa mà một cá nhân có thể mua. Trong khi những người khai thác các loại tiền mã hóa phổ biến hơn, như bitcoin, đã chuyển sang sử dụng các chipset chuyên dụng và hiệu quả hơn về chi phí. Chúng được gọi là mạch tích hợp dành riêng cho ứng dụng (ASIC). Còn GPU vẫn được sử dụng để khai thác các loại tiền tệ ít được biết đến.
(Theo Investopedia)