1. Kinh tế công cộng

Biên chế quá lớn (Overstaffing) là gì? Hậu quả của biên chế quá lớn

Mục Lục

Biên chế quá lớn

Biên chế quá lớn trong tiếng Anh là Overstaffing.

Biên chế quá lớn là việc sử dụng nhiều lao động hơn mức cần thiết để thực hiện hành vi kinh tế một cách có hiệu quả. Điều này có thể xảy ra khi công tác quản lí sản xuất yếu kém hoặc có những qui định hạn chế việc sa thải công nhân (gọi là biên chế đệm).

Đây là vấn đề thường xuất hiện ở các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức phi chính phủ, nhưng cũng có thể xuất hiện ở các công ty độc quyền, các công ty cổ phần lớn, ít phải chịu sức ép cạnh tranh.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Hậu quả của biên chế quá lớn

- Chế độ biên chế là sản phẩm của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, biên chế quá lớn làm cản trở quá trình chuyển đổi sang thị trường, kìm hãm tăng trưởng và tính năng động của nền kinh tế

- Gây tổn thất cho ngân sách nhà nước nhất là trong điều kiện nền kinh tế đang gặp khó khăn, nợ công, nợ xấu lớn. Bộ máy nhà nước trở nên cồng kềnh, khó kiểm soát, quản lí.

- Rủi ro đạo đức: gây tâm lí ỷ nại, dĩ hòa vi quí, cào bằng, sợ trách nhiệm, ngại va chạm, bệnh thành tích...

Sắp xếp, tổ chức biên chế hành chính sự nghiệp ở Việt Nam

Để bộ máy hành chính, sự nghiệp được tổ chức một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phải đổi mới căn bản hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Việc đổi mới phải dựa trên cơ sở định hướng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII về đổi mới hệ thống chính trị, của Hiến pháp sửa đổi và tiến hành trong khuôn khổ cuộc cải cách bộ máy Nhà nước.

Yêu cầu chủ yếu của việc sắp xếp tổ chức biên chế là:

Điều chỉnh một bước các tổ chức hành chính, sự nghiệp ở các ngành, các cấp cho hợp lí hơn, bớt những tổ chức trùng lặp, trồng chéo hoặc chức trách không rõ ràng, thực hiện giảm biên chế theo Nghị quyết của Quốc hội; nâng cao một bước hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy; 

Tạo những điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới căn bản hệ thống hành chính Nhà nước sẽ tiến hành sau khi có hiến pháp sửa đổi. Việc điều chỉnh tổ chức, giảm biên chế không gây đảo lộn cho công việc quản lí bình thường.

Phạm vi sắp xếp tổ chức, biên chế:

- Tổ chức biên chế của các cơ quan hành chính từ trung ương đến huyện: các Bộ (gồm cả bộ phận hành chính, sự nghiệp của các Bộ Quốc phòng, Nội vụ), các Uỷ ban Nhà nước và các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, các quận, huyện và cấp tương đương.

- Tổ chức, biên chế của các đơn vị sự nghiệp thuộc tất cả các ngành, các cấp, trọng điểm là các đơn vị giáo dục và đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học.

(Tài liệu tham khảo: Nghị quyết 109-HĐBT năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sắp xếp, tổ chức biên chế hành chính sự nghiệp)

Thuật ngữ khác