Bảo trì sản xuất tổng hợp (Total Productive Maintenance - TPM) là gì? Mục đích bảo trì
Mục Lục
Bảo trì sản xuất tổng hợp
Bảo trì sản xuất tổng hợp trong tiếng Anh được gọi là Total Productive Maintenance - TPM.
Bảo trì sản xuất tổng hợp là một trong các công cụ và các phương pháp được áp dụng trong sản xuất tinh gọn.
Bảo trì sản xuất tổng hợp là phân công công việc bảo dưỡng cơ bản thiết bị bao gồm kiểm tra, vệ sinh, bôi trơn, cân chỉnh do công nhân là người vận hành thiết bị.
Việc phân công trách nhiệm rõ ràng để công nhân chủ động trong việc xác định, giám sát và khắc phục nguyên nhân gây ra sự cố của máy móc.
Thuật ngữ liên quan
- Sản xuất tinh gọn là một hệ thống các công cụ và phương pháp quản lí sản xuất nhằm loại bỏ những lãng phí, những bất hợp lí trong quá trình sản xuất để giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng sản lượng cho doanh nghiệp.
Nguyên tắc chủ đạo của sản xuất tinh gọn là gia tăng giá trị cho khách hàng thông qua việc liên tục loại bỏ lãng phí trong suốt quá trình cung cấp sản phẩm và dịch vụ.
- Bảo trì là hoạt động chăm sóc kĩ thuật, điều chỉnh, sửa chữa hoặc thay thế một hoặc nhiều chi tiết hay cụm chi tiết máy nhằm duy trì hoặc khôi phục các thông số hoạt động, bảo đảm máy móc thiết bị hoạt động với năng suất, tốc độ, tải trọng đã xác định trước.
- Bảo trì dự phòng là tổng hợp các biện pháp tổ chức, kĩ thuật về bảo dưỡng, kiểm tra và sửa chữa, được tiến hành theo chu kì sửa chữa và theo kế hoạch nhằm hạn chế sự hao mòn, ngăn ngừa sự cố máy móc thiết bị, đảm bảo thiết bị luôn hoạt động trong trạng thái bình thường và giúp doanh nghiệp xác định các vấn đề tiềm tàng trước khi chúng phát sinh.
Mục đích
Mục đích của công tác bảo trì đó là:
- Hạn chế sự gián đoán trong quá trình sản xuất;
- Đảm bảo chất lượng của sản phẩm và dịch vụ, giảm tỷ lệ phế phẩm/sai hỏng;
- Nâng cao độ tin cậy của hệ thống sản xuất;
- Tạo thói quen về ý thức cho người lao động;
- Ngăn ngừa tai nạn lao động, rủi ro trong sản xuất;
- Duy trì và kéo dài chu kỳ sống của máy móc, thiết bị;
- Tránh máy móc có thể hư hỏng, các chi tiết bị hao mòn và nhà xưởng xuống cấp;
- Đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, giảm thời gian chờ đợi của khách hàng....
(Tài liệu tham khảo: Quản trị sản xuất, TS. Nguyễn Đình Trung, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)