Bao thanh toán Forfaiting là gì? Lợi thế và hạn chế của hình thức này
Mục Lục
Bao thanh toán tuyệt đối (Forfaiting)
Forfaiting bắt nguồn từ châu Âu (thực tế thuật ngữ "forfaiting" xuất phát từ tiếng Pháp "à forfeit", nghĩa là "miễn truy đòi").
So với factoring, forfaiting ít được áp dụng hơn. Vì vậy, cho đến nay chưa có một luật lệ hay tập quán quốc tế nào định nghĩa cụ thể về forfaiting. Vì vậy, forfaiting thường được viết trong các cuốn sách mang tính chất thực hành.
Forfaiting còn được dịch ra tiếng Việt là bao thanh toán tuyệt đối để phân biệt với factoring là bao thanh toán tương đối.
Forfaiting là thuật ngữ dùng để chỉ việc mua lại các khoản nợ phát trả trong tương lai, phát sinh từ việc giao hàng hóa hoặc dịch vụ, chủ yếu là từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa với điều kiện miễn truy đòi lại nhà xuất khẩu.
Forfaiting là một dạng tài trợ thương mại quốc tế liên quan tới việc người xuất khẩu bán miễn truy đòi với mức giá chiết khấu cho các đơn vị bao thanh toán (forfaiter) các khoản phải thu trung và dài hạn có nguồn gốc từ các hợp đồng mua bán hàng hóa với điều kiện các khoản phải thu phải có bảo lãnh thanh toán của một ngân hàng có uy tín.
Đặc điểm của forfaiting
Là một cơ chế tài chính nhằm chuyển hoạt động bán hàng theo hình thức tín dụng của nhà xuất khẩu sang giao dịch tiền mặt:
- Thông qua việc chiết khẩu các chứng từ thu nợ từ hoạt động xuất khẩu, khoản nợ được thể hiện bằng hối phiếu, kì phiếu, L/C có bảo lãnh của ngân hàng.
- Thanh toán ngay giá trị hối phiếu, miễn truy đòi người xuất khẩu sau khi đã trừ phí chiết khấu.
- Thời hạn tín dụng là trung hoặc dài hạn (thường từ 90 ngày đến 5 năm).
- Khoản tiền đêm forfaiting nằm trong khoảng 100.000 USD - 200 triệu USD hoặc có thể nhiều hơn.
- Công cụ để đòi nợ trong nghiệp vụ forfaiting là các kì phiếu (promissory note - còn được gọi là các hối phiếu nhận nợ) hoặc hối phiếu đòi nợ (bill of exchange).
Khi một forfaiter mua lại công cụ để giành lấy quyền đòi nợ từ nhà nhập khẩu, forfaiter có thể giữ lại những giấy tờ đó chờ đáo hạn và yêu cầu nhà nhập khẩu thanh toán hoặc cũng có thể bán lại những giấy tờ đó trước khi đáo hạn.
Đối với forfaiting, có hai loại thị trường là thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.
Lợi ích của forfaiting trong thương mại quốc tế
Đối với các forfaiter
Khi cung cấp tín dụng forfaiting, các forfaiter sẽ được chuyển nhượng các giấy tờ có giá và có thể đem ra buôn bán trên thị trường forfaiting thứ cập. Đây được coi là một hình thức đầu tư tài chính thu lợi của các forfaiter.
Các forfaiter còn được hưởng khoản chênh lệch giữa giá trị ghi trên hối phiếu và số tiền họ thực sự cấp cho nhà xuất khẩu, đồng thời, họ được hưởng thêm các khoản phí hoa hồng khác.
Đối với nhà xuất khẩu
- Giảm thiểu rủi ro
- Giảm bớt tài sản nợ và bảo đảm luồng tiền mặt
- Tỉ lệ chiết khấu cố định
- Giảm bớt chi phí hành chính
- Không gặp hạn chế về loại sản phẩm, hàng hóa hay dịch vụ
- Nâng cao doanh số bán hàng và sức cạnh tranh cho nhà xuất khẩu
Đối với nhà nhập khẩu
- Thủ tục chứng từ đơn giản, dễ thực hiện
- Nhà nhập khẩu được hưởng một thời hạn tín dụng dài hơn.
Hạn chế của forfaiting
Đối với các forfaiter
- Forfaiter phải chịu mọi rủi ro do sự biến động bất lợi của lãi suất gây ra bởi vì lãi suất trong hợp đồng forfaiting có thể là cố định.
- Ngày đáo hạn giấy nợ: rủi ro mà các forfaiter có thể gặp phải vào thời điểm này là bên nhập khẩu trả tiền không đúng hạn do ngân hàng bảo lãnh hay đại lí thanh toán của nhà nhập khẩu không thể trả tiền đúng hạn hoặc không có khả năng thanh toán, rất khó có thể thu được khoản tiền này.
Đối với nhà xuất khẩu
- Gặp khó khăn trong việc bảo đảm từ một ngân hàng hay tổ chức tai chính uy tín đứng ra bảo lãnh, đáp ứng được yêu cầu của forfaiter.
- Gặp rủi ro khi bên nhập khẩu đơn phương hủy bỏ hợp đồng trong khoảng thời gian cam kết của nhà xuất khẩu với forfaiter hoặc vì một lí do nào đó hợp đồng không còn giá trị nữa. Lúc này, nhà xuất khẩu phải chịu trách nhiệm bồi hoàn lại những chi phí, tổn thất cho forfaiter.
- Một giao dịch forfaiting thường có chi phí cao, gồm hai loại chi phí cơ bản là phí cam kết và phí chiết khấu.
Đối với nhà nhập khẩu
- Khi nhờ một ngân hàng hay tổ chức tài chính đứng ra bảo lãnh, nhà nhập khẩu phải chi trả một khoản phí nhất định. Đó là phí bảo lãnh thường từ 2 - 3% và phải đặt cọc bảo lãnh ít nhất là 10% trong suốt thời hạn của kì phiếu.
- Chịu rủi ro trong việc không có đủ nguồn tài trợ để trả tiền cho forfaiter đúng hạn.
(Theo Giáo trình Tài trợ thương mại quốc tế, trường ĐH Ngoại thương, NXB Thống Kê)