Bảo dưỡng Phòng ngừa theo thời gian (Time Based Preventive Maintenance) là gì?
Mục Lục
Bảo dưỡng Phòng ngừa theo thời gian
Bảo dưỡng Phòng ngừa theo thời gian trong tiếng Anh được gọi là Time Based Preventive Maintenance.
Đây là phương pháp bảo dưỡng hiện được áp dụng trong hầu hết các nhà máy, dây chuyền sản xuất ở Việt Nam (trừ một số ít các nhà máy mới xây dựng). Trên thế giới, phương pháp này đã được phát triển và phổ biến từ những năm 1950.
Theo phương pháp Bảo dưỡng Phòng ngừa theo thời gian, máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất sẽ được sửa chữa, thay thế định kì theo thời gian.
Ví dụ cứ mỗi tháng một lần sẽ dừng dây chuyền cho sửa chữa nhỏ và mỗi năm lần dừng dây chuyền khoảng 2 để thực hiện các sửa chữa lớn.
Mỗi khi dừng máy định kì để sửa chữa, bảo dưỡng, các bộ phận, chi tiết máy sẽ được kiểm tra, cân chỉnh, phục hồi, nếu cần thiết sẽ được thay thế. Sau mỗi đợt sửa chữa như vậy toàn bộ các thiết bị máy móc trong dây chuyền được coi như đã sẵn sàng cho đợt sản xuất mới.
Nhược điểm
Về mặt lí thuyết, dường như đây là phương pháp khá lí tưởng. Tuy nhiên, trong thực tế phương pháp này vẫn bộc lộ khá nhiều nhược điểm:
- Thứ nhất là việc xác định các chu kì thời gian để dừng máy thường là rất khó khăn.
Do doanh nghiệp sử dụng nhiều thiết bị, mỗi thiết bị có những đặc điểm riêng, phân bố xác suất các hư hỏng theo thời gian của chúng rất khác nhau nên việc xác định các chu kì sửa chữa thích hợp cho toàn bộ dây chuyền sản xuất lại càng trở nên khó khăn và thiếu chính xác.
Nếu khoảng thời gian giữa hai lần dừng máy dài, các hư hỏng có thể xuất hiện giữa hai lần dừng máy gây ra ngừng sản xuất bất thường. Nếu khoảng thời gian giữa hai lần dừng máy ngắn, khối lượng sửa chữa thay thế lớn, một số chi tiết vẫn còn dùng được nhưng đến thời hạn vẫn phải thay thế gây lãng phí.
Những khó khăn này còn được nhân lên khi thời gian ngừng máy không chỉ bị chi phối bởi đặc tính kĩ thuật của thiết bị và công nghệ, mà còn của cả nhu cầu trên thị trường.
Chiến lược kinh doanh, tình hình nhân lực, khả năng cũng như những cam kết của doanh nghiệp đối với các đối tác cũng như của các đối tác đối với doanh nghiệp cũng chi phối mạnh mẽ thời gian này.
- Thứ hai, do chủng loại máy móc thiết bị có thể hư hỏng cần sửa chữa bảo dưỡng trong mỗi đợt dừng máy của nhà máy thường rất đa dạng, khối lượng chi tiết thay thế, bố trí nhân lực, vật lực cho mỗi lần dừng máy là rất lớn nhưng thực tế các chi tiết cần thay thế sửa chữa lại không nhiều gây lãng phí.
- Thứ ba, các máy móc thiết bị có thể bị hư hỏng do sự bất cẩn của công nhân trong quá trình kiểm tra, bảo dưỡng. Một số loại máy dễ bị hỏng, mòn hay giảm tuổi thọ do bị tháo ra lắp vào nhiều lần, gây ra hiện tượng gọi là "bảo dưỡng quá mức (Over maintenance)".
(Tài liệu tham khảo: Quản lí Kĩ thuật và Công nghệ, PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển Doanh nghiệp, 2012)