1. Tài chính

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh xử lý các ngân hàng yếu kém

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 diễn ra vào ngày 9/9.

Thủ tướng yêu cầu NHNN tập trung tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng; khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định, điều kiện, thủ tục cho vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp vào các lĩnh vực ưu tiên.

Thủ tướng lưu ý NHNN phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư để cho vay tín chấp với giá trị phù hợp, góp phần giảm tín dụng đen; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay; thực hiện hiệu quả các gói tín dụng chính sách (trong đó có 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 15.000 tỷ đồng cho ngành hàng đồ gỗ, thủy sản…).

Đặc biệt, Thủ tướng giao NHNN đẩy mạnh xử lý các ngân hàng yếu kém, mua bắt buộc theo chủ trương được cấp có thẩm quyền đồng ý, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2023.

Trước đó, Đại hội XIII của Đảng đưa ra quan điểm chỉ đạo: "Đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước". Trên cơ sở đó, việc xử lý các ngân hàng yếu kém đã được tích cực triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Sau khi báo cáo Bộ Chính trị, Đề án triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 đã được triển khai. Đến nay, đã có một số ngân hàng thương mại yếu kém thuộc diện tái cơ cấu.

Mới đây, trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cuối tháng 4/2023, NHNN xác nhận đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Đó là: Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) và Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank).

Trong 4 ngân hàng nêu trên thì có 3 nhà băng bị mua lại với giá 0 đồng vào năm 2015, gồm: CBBank, OceanBank và GPBank. Còn DongABank bị kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015 sau khi kết quả thanh tra cho thấy trong giai đoạn 2012 trở về trước, ngân hàng này có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của ngân hàng.

Riêng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), từ cuối tháng 10/2022, NHNN đã đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt, sau vụ bà Trương Mỹ Lan bị bắt.

Việc chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã được bắt đầu từ 2 năm nay sau khi được Bộ Chính trị đồng ý về mặt chủ trương. Song việc chuyển giao này là khá phức tạp và phải qua nhiều thủ tục trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Quá trình tái cơ cấu các ngân hàng đang đối mặt với nhiều thách thức và khó có khả năng hoàn thành những mục tiêu dự tính. Hai nhiệm vụ trọng tâm là xử lý nợ xấu và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém cho đến nay vẫn chưa có phương án rõ ràng…

Minh Anh

Tin khác