Thống đốc nói mức tín dụng chưa sử dụng hết, doanh nghiệp xăng dầu chỉ ra bất cập 'bó tay'!
Chiều 28/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm về các lĩnh vực hoạt động của ngân hàng như điều hành lãi suất, tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu…
Ghìm giữ lãi suất là việc khó
Giải trình về nội dung điều hành lãi suất tín dụng và tỷ giá mà đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong nước diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán tác động mạnh đến hoạt động tiền tệ và ngân hàng. “Trong khi đó, chính sách tiền tệ được giao nhiều nhiệm vụ, đa mục tiêu. Ngay trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng cao, Ngân hàng Nhà nước vẫn được giao nhiệm vụ ghìm giữ lãi suất. Đây thực sự là việc khó khăn, thách thức”- Thống đốc ngân hàng Nhà nước nhìn nhận.
Trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ và điều hành linh hoạt, đồng bộ với liều lượng vào các thời điểm hợp lý. Qua đó góp phần kiểm soát lạm phát ở mức bình quân 9 tháng là 2,73%, năm 2022 ước đạt dưới 4%. “Đây là mức thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới, là yếu tố góp phần cho tăng trưởng kinh tế đạt mức dự kiến 8% cho cả năm nay”.
Tăng trưởng kinh tế chính sách tiền tệ tín dụng của ngành ngân hàng tăng trên 11%, đây cũng là một yếu tố góp phần tăng trường kinh tế đạt mức dự kiến 8% cho cả năm.
"Đối với tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi sát và điều hành linh hoạt ở mức độ phù hợp để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Đặc biệt trên thị trường tiền tệ, thanh khoản ngân hàng thậm chí có dư thừa trong 9 tháng, mặt bằng lãi suất chỉ tăng 0,3-0,4% so với cuối năm ngoái", Thống đốc cho hay.
Tuy nhiên sang tháng 10, bà Hồng cho biết thị trường tiền tệ, ngoại hối biến động mạnh do tác động bởi tâm lý kỳ vọng, đặc biệt là các thông tin không đúng sự thật ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng.
"Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động, linh hoạt và xác định trọng tâm thời gian này phải đảm bảo ổn định hoạt động hệ thống ngân hàng và sẵn sàng cung ứng thanh khoản để đáp ứng nhu cầu chi trả cho các tổ chức tín dụng", tư lệnh ngành ngân hàng cho biết.
Đối với thị trường ngoại hối, bà cho biết Ngân hàng Nhà nước phải chủ động cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hơn. Bởi nếu ổn định lãi suất thì không thể kiểm soát được thị trường ngoại hối mà ổn định thị trường này rất quan trọng với nhà đầu tư nước ngoài. "Trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ, chúng ta phải xác định mục tiêu trọng tâm trọng điểm trong giai đoạn đó là gì nhưng mục tiêu chính vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Trong ngắn hạn, bà cho rằng phải đánh đổi giữa các mục tiêu như để ổn định thị trường ngoại hối phải chấp nhận tỷ giá tăng cao và với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khi tỷ giá tăng cao nhưng ổn định được thị trường ngoại hối...
Thống đốc nói mức tín dụng chưa sử dụng hết, doanh nghiệp chỉ ra bất cập "bó tay"
Liên quan đến ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tháo gỡ cho mặt hàng xăng dầu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đề nghị Bộ Công Thương có đánh giá chi tiết, cụ thể, phân tích nguyên nhân và có giải pháp phù hợp.
Với hoạt động tín dụng của ngân hàng trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong đó có lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Tại chỉ thị đầu năm, Thống đốc đều yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tháng 3/2022 trước sự biến động phức tạp của xăng, dầu chúng tôi đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng phải đáp ứng.
“Khi Bộ Công Thương có văn bản chúng tôi đã tổng hợp nhanh số liệu từ các Ngân hàng, hiện tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay là 103 nghìn tỷ đồng, mới sử dụng đến khoảng 58 nghìn tỷ đồng và hạn mức chưa sử dụng là 44 nghìn tỷ đồng chứ chưa phải đã hết”- Thống đốc Ngân hàng thông tin.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về việc cấp hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp, đại diện một thương nhân đầu mối xăng dầu cho biết, phát biểu nêu trên chưa sát với thực tế thị trường xăng dầu hiện nay. Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hiện nay được cấp hạn mức tín dụng ở ngân hàng với số tiền rất lớn, tuy nhiên với thời điểm khan hiếm nguồn tiền như hiện tại chủ yếu chỉ sử dụng hạn mức không đối ứng 100% bằng tiền. Do đó việc dư thừa hạn mức chủ yếu là dư thừa hạn mức đối ứng 100%.
“Ngoài ra, cấp hạn mức 100% tài sản đảm bảo thì không có ai sử dụng lấy tài sản ở đâu, hàng nhiều nghìn tỷ đồng nên dư hạn mức. Ngân hàng nhà nước cấp hạn mức nhưng không sử dụng được, dư hạn mức vì phải có tài sản đảm bảo 100% thì doanh nghiệp đầu mối ít thực hiện được”- doanh nghiệp bày tỏ.
Cho nên có một thực tế, các doanh nghiệp phân phối, tổng đại lý, đại lý có cấp hạn mức nhưng thực tế giải ngân được khoảng 2/10 trên hạn mức được cấp nên bị dư, nói chung là cấp nhưng không sử dụng được.
Bên cạnh đó cũng có doanh nghiệp bức xúc, hiện doanh nghiệp đầu mối là trung gian để nhập khẩu, mua hàng từ các nhà máy với số lượng lớn, giá trị lớn. Chủ yếu sử dụng phương thức thanh toán LC trả chậm, nợ của đối tác nước ngoài, nhà máy lọc dầu để nhập hàng, tức là thay vì vay trong nước thì vay nước ngoài. Nhưng doanh nghiệp đầu mối muốn nhập thì phải có người mua và đương nhiên người mua phải trả tiền để thanh toán cho nước ngoài.
“Tuy nhiên người mua ở đây là các doanh nghiệp phân phối xăng dầu, người mua hàng của các doanh nghiệp đầu mối là người chịu ảnh hưởng lớn bởi room tín dụng mặc dù được cấp hạn mức tín dụng nhưng doanh nghiệp phân phối được cấp hạn mức nhưng chỉ giải ngân đươc khoảng 20-30% hạn mức được cấp nên cấp mà không được dùng hết nên dư room; không có tiền để thanh toán tiền hàng cho đầu mối; đầu mối gặp khó khăn trong thanh toán với người bán là đối tác nước ngoài hoặc các nhà máy lọc dầu. Do đó, doanh nghiệp đầu mối không dám nhập hàng hoặc nhập cầm chừng để tránh rủi ro thanh khoản. Có rất nhiều nguyên nhân, dòng tiền bị ảnh hưởng dẫn đến không có tiền thanh toán cho đầu mối, chính vì vậy đầu mối không dám nhập thêm hàng để tránh rủi ro thanh khoản”- một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bày tỏ.
Ngoài ra, theo doanh nghiệp, một phần do kinh doanh lỗ nên doanh nghiệp cũng không sử dụng hạn mức đã cấp nên dẫn đến dư hạn mức mà thôi. Doanh nghiệp đầu mối mua hàng nhập khẩu người bán yêu cầu thanh toán LC ở các ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank. Các doanh nghiệp đầu mối được các ngân hàng ngoài 3 ngân hàng trên ví dụ SHB Bank, Tiên Phong Bank, HD Bank...cấp hạn mức nếu mở LC thì phải qua 3 ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank nhưng room của các ngân hàng SHB Bank, Tiên Phong Bank, HD Bank...với nhau khi có khi không hoặc hạn chế, như thời điểm hiên nay thì không có room của các ngân hàng với nhau, nên có hạn mức cũng không sử dụng được dẫn đến dư hạn mức..
Quỳnh Nga- Duy Anh