Mặt bằng lãi suất chỉ tăng 0,4% là phù hợp với bối cảnh chung
Nhiều sai phạm trong phát hành trái phiếu, huy động vốn
Chiều 28/10, tại phiên Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, ĐB Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi) nêu ý kiến, về bảo đảm an toàn, an ninh tài chính phục vụ phát triển kinh tế. Theo nhận định của Ủy ban kinh tế, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng cơ cấu thị trường thiếu cân đối, chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao; sử dụng vốn huy động cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch... Các doanh nghiệp bất động sản có tỉ lệ đào thải tài chính cao, tài chính kém lành mạnh có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản tín dụng trái phiếu đến hạn.
Đặc biệt là sai phạm của doanh nghiệp bất động sản trong huy động vốn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với phát triển bền vững thị trường vốn. Đối với xã hội gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư, đồng thời đưa ra cảnh báo rủi ro cấp độ liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng.
Vì vậy, ĐB đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước với quản lý, điều hành hoạt động của các tổ chức tín dụng, quản lý thị trường chứng khoán và hoạt động bất động sản; Đánh giá xác định mức độ ảnh hưởng của các sai phạm trong thời gian qua đã tác động thế nào đến nền kinh tế thị trường vốn để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự minh bạch, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn; Đánh giá lại cơ cấu tỉ trọng nguồn vốn đầu tư và bất động sản trong tổng số nguồn lực xã hội và tác động của thị trường này đến phân phối nguồn lực đầu tư của xã hội và phân phối nguồn lực xã hội; Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo tính minh bạch, an toàn, hiệu quả, tăng cường niềm tin của người dân, nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Tín dụng của ngành ngân hàng tăng 16-17%
Giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của các ĐB Quốc hội về lĩnh vực tiền tệ, hoạt động của ngân hàng để điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vi mô, phát triển kinh tế của đất nước.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông tin, bối cảnh năm 2022 có nhiều khó khăn hơn nhiều so với những đánh giá vào cuối năm 2021, xu hướng lạm phát kéo dài hiển hiện ở khắp các nước trên thế giới, FED đã tăng lãi suất cao và dự kiến sẽ vẫn tiếp tục ở mức cao... Những diễn biến như vậy đặt ra cho Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới đều gặp khó khăn.
Trong nước, diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán cũng tác động mạnh đến hoạt động tiền tệ và ngân hàng. Trong khi đó, chính sách tiền tệ được giao nhiều nhiệm vụ và đa mục tiêu. Ngay trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng cao, nhiệm vụ về chính sách tiền tệ vẫn là cố gắng giảm lãi suất 0,5-1% trong năm 2022 và 2023. Đây là nhiệm vụ thực sự là việc khó khăn trong bối cảnh này.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ và điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ với liều lượng vào các thời điểm hợp lý. Qua đó, đã góp phần kiểm soát lạm phát ở mức bình quân 9 tháng là 2,73%, năm 2022 ước đạt mức lạm phát bình quân dưới 4%. Đây là mức thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực.
Cùng đó, trong 9 tháng đầu năm, với chính sách tiền tệ, tín dụng của ngành ngân hàng thì tín dụng đã tăng 16-17%. Đây là mức cao, là yếu tố góp phần cho tăng trưởng kinh tế đạt mức dự kiến 8% cho cả năm 2022; là bước đáng ghi nhận so với mức thấp của các nước trên thế giới và khu vực.
Đối với tỉ giá thì Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi sát, điều hành cho phép linh hoạt ở mức phù hợp, trên tinh thần tổng thể với tất cả các công cụ khác để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Đặc biệt trên thị trường tiền tệ, trong 9 tháng đầu năm thanh khoản hệ thống ngân hàng được điều tiết rất tốt, thậm chí có dư thừa. Mặt bằng lãi suất không giảm được nhưng chỉ tăng từ 0,3-0,4% so với cuối năm 2021. Diễn biến này phù hợp với bối cảnh chung của tình hình quốc tế.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng lý giải về diễn biến của thị trường tiền tệ và ngoại hối trong tháng 10. Trên thị trường có những thông tin không đúng sự thật, tác động mạnh tới hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như các diễn biến đặc biệt trên thị trường ngoại tệ. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp, phía Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động, linh hoạt đánh giá, xác định trọng tâm, trọng điểm trong thời gian này là làm thế nào đảm bảo ổn định hoạt động của hệ thống ngân hàng và sẵn sàng cung ứng thanh khoản để đáp ứng yêu cầu chi trả cho các tổ chức tín dụng.
Đối với thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động cho phép linh hoạt tỉ giá biến động linh hoạt hơn để kiểm soát thị trường ngoại hối nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hiện Bộ Công an đang tiếp tục xác minh những thông tin không chính xác, sai sự thật tác động đến tình hình kinh tế tài chính tiền tệ và xử lý theo quy định.
Liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cung ứng xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công Thương có đánh giá chi tiết, cụ thể, phân tích những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng như vậy và có những các giải pháp phù hợp. Về phía hoạt động tín dụng của ngân hàng, trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh doanh xăng dầu, đồng thời đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng phải đáp ứng cho lĩnh vực kinh doanh này.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua tập hợp nhanh số liệu từ hệ thống ngân hàng cho thấy, tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp xăng dầu là 103 nghìn tỉ đồng, mới sử dụng khoảng 58 nghìn tỉ đồng, vẫn còn hạn mức chưa sử dụng là 44 nghìn tỷ đồng chứ chưa phải đã hết.
Về Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành ban hành Nghị định, thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, về thực tiễn, số lượng hỗ trợ còn ít, sự giám sát từ sớm từ xa của ĐB, những phân tích, đánh giá nguyên nhân của các đại biểu Quốc hội là hoàn toàn chính xác. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành tiến hành đánh giá, khảo sát trong thời gian tới và báo cáo tổng thể với Chính phủ và Quốc hội.
Vân Hà