1. Tài chính

Thống đốc NHNN: 'Nợ xấu đang gia tăng vì người dân vay mà không trả được'

Hôm nay, 11-11, Quốc hội tiến hành chất vấn ba nhóm lĩnh vực là Ngân hàng, Y tế, Thông tin và Truyền thông. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn.

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị thiệt hại do bão số 3

Mở đầu chất vấn, đại biểu (ĐB) Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho biết vừa qua, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân, doanh nghiệp với ước tính thiệt hại hơn 81.000 tỉ đồng. Riêng người dân, doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại trên 31.000 tỉ đồng.

“Đề nghị Thống đốc cho biết ngành ngân hàng có chính sách hỗ trợ gì với khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng của bão số 3” - ĐB đặt câu hỏi.

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang). Ảnh: QH

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết ngay sau khi bão số 3 xảy ra, lãnh đạo NHNN đã trực tiếp khảo sát ở Hải Phòng và Quảng Ninh. Kết quả khảo sát xác định dư nợ của hai địa phương khoảng 12.000 tỉ đồng.

Ngay sau đó NHNN đã ban hành văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung quan tâm, rà soát những khách hàng vay vốn của tổ chức mình, từ đó đánh giá mức thiệt hại của các khoản thu nợ mà khách hàng đã vay.

“Chúng tôi cũng đã thống kê tại 26 tỉnh, TP bị ảnh hưởng của bão số 3. Theo đó, số dư nợ tín dụng của khách hàng cá nhân bị thiệt hại là 190.000 tỉ đồng. NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn cho người dân bằng cách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo các quy định hiện hành.... Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét miễn giảm lãi cho DN, người dân chịu ảnh hưởng của cơn bão” - bà Hồng nói.

Thống đốc cũng cho biết NHNN đã chỉ đạo mỗi tổ chức tín dụng cân nhắc, xem xét trong cân đối nguồn vốn mình để đưa ra các gói tín dụng.

“Đến nay, có 35 tổ chức tín dụng công bố với tổng mức tín dụng là 405.000 tỉ đồng để cho vay mới với DN, người dân chịu thiệt hại với lãi suất ưu đãi hơn, đã cho vay mới 27.000 tỉ đồng, hạ lãi suất khoảng 82.000 tỉ đồng” - bà Hồng nói thêm.

Nợ xấu đang gia tăng

Đặt câu hỏi chất vấn về vấn đề nợ xấu, ĐB Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) nói vấn đề nợ xấu tăng cao đã được đề cập trong báo cáo của Thủ tướng trước QH, đã được ĐBQH nêu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội.

“Thống đốc đánh giá thế nào về tình hình nợ xấu và các giải pháp để kiểm soát nợ xấu. Nếu không giảm được nợ xấu thì việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ gặp khó khăn gì và giải pháp cụ thể khi tình huống này xảy ra?” - ĐB đặt câu hỏi.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: QH

Trả lời ĐB, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thông tin thời gian qua tình hình nợ xấu đang có xu hướng gia tăng. Số liệu NHNN tổng hợp cho thấy đến cuối tháng 9-2024, tỉ lệ nợ xấu nội bản ở mức 4,55%, gần bằng mức thời điểm cuối năm 2023. Tuy nhiên, tăng so với mức 2% năm 2022.

Bà Hồng cho biết đây là thực tế, vì từ năm 2020 đến nay, trước tình trạng dịch COVID-19 xảy ra đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của hoạt động kinh tế - xã hội. DN và người dân rất khó khăn, bị giảm nguồn thu nên khó khăn trong trả nợ. “Nợ xấu này là do người dân vay của ngân hàng mà không trả được” - bà Hồng nói.

Theo dõi bảng cân đối của các tổ chức tín dụng, để kiểm soát nợ xấu này, Thống đốc NHNN cho biết có một số giải pháp. Trước hết, với các tổ chức tín dụng, khi cho vay thì cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng để đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh.

Còn với các nợ xấu hiện hữu thì tích cực xử lý bằng cách đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ hoặc phát mại tài sản thuộc nợ xấu. Dù vậy, Thống đốc cũng đánh giá việc này trong bối cảnh này đang rất khó khăn. Hiện NHNN đã có khung khổ pháp lý cho hoạt động của tổ chức VAMC, các công ty mua bán nợ cũng có thể tham gia xử lý nợ xấu.

Thời gian qua, lãi suất cho vay đã giảm để hỗ trợ người dân, DN. Tuy nhiên, khi khách hàng không trả được nợ thì tiền cho vay đó vẫn phải trả lãi cho người dân, chính vì vậy sẽ rất khó để tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.

Dù vậy, trong điều hành thời gian qua, NHNN đã thực hiện nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vừa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, vừa chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay đối với DN, Người dân.

“Trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến nay, hệ thống các tổ chức tín dụng đã dành nguồn lực tài chính của mình, giảm 50-60 ngàn tỉ đồng cho các khách hàng” - bà Hồng cho hay.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tin khác