1. Tài chính

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Sẽ lập sàn giao dịch vàng 'ở thời điểm phù hợp'

Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Vietnam+)

Sáng 11/11, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã mở màn phiên trả lời chất vấn của Quốc hội.

Nội dung chất vấn tập trung vào nhóm vấn đề về điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi của đại biểu tập trung vào vấn đề quản lý thị trường vàng, người dân khó mua khó bán vàng, nên hay không thành lập sàn vàng...

Nhu cầu vàng ở các tỉnh thấp

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk), đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm rõ các giải pháp quản lý thị trường vàng thời gian qua. Đại biểu Phạm Văn Hòa chất vấn tại sao các ngân hàng Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) chỉ bán mà không mua vào trong khi nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng khác trên thị trường cũng không mua vào, khiến người dân gặp khó khăn không chỉ khi mua vàng mà cả khi bán vàng. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Thống đốc giải trình vì sao Big 4 chỉ bán vàng tại Hà Nội và Thành phố Hà Nội mà không mở rộng ra các tỉnh.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay thị trường vàng Việt Nam luôn biến động theo diễn biến chung trên thế giới. Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. Tuy nhiên, từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao. Đến tháng 6/2024, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên mức 15-18 triệu đồng/lượng. Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và trên cơ sở pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng.

Theo Thống đốc, biện pháp đấu thầu vàng đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện hiệu quả năm 2013. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, giá vàng thế giới lập đỉnh rất cao, tâm lý kỳ vọng của thị trường tăng mạnh nên sau 9 phiên đấu thầu, khi chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế vẫn ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang bán vàng trực tiếp cho các ngân hàng thương mại nhà nước (big 4 ngân hàng) và Công ty SJC. Nhờ vậy, chênh lệch giá vàng đã giảm nhanh, hiện chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng.

Mặc dù mục tiêu kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã phần nào đạt được, song Thống đốc thừa nhận, thị trường vàng còn diễn biến phức tạp, Việt Nam lại là nước không sản xuất vàng, nguồn cung hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường vàng thời gian tới để có giải pháp can thiệp.

Liên quan tới phản ánh của đại biểu về việc các ngân hàng thương mại chỉ bán mà không mua vàng trong khi một số tiệm vàng cũng không mua vàng, Thống đốc khẳng định việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho Big 4 và Công ty SJC là để tăng cung vàng ra thị trường. Còn các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng khác trên thị trường (22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp vàng) vẫn mua vàng bình thường.

Về việc Big 4 chỉ bán vàng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mà không bán ở các tỉnh, theo Thống đốc, vấn đề này Ngân hàng Nhà nước không can thiệp, các ngân hàng thương mại nhà nước căn cứ vào nhu cầu thị trường mà tự quyết định điểm bán. Tuy vậy, khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, nhu cầu mua vàng của người dân chủ yếu tập trung tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cầu vàng ở các tỉnh rất thấp.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đối với hiện tượng một số cửa hàng vàng tạm dừng mua vàng ở một số thời điểm, Thống đốc cho rằng, điều này có thể liên quan đến cân đối dòng tiền và quản trị rủi ro của doanh nghiệp vàng. Ngân hàng Nhà nước luôn khuyến cáo vàng là mặt hàng biến động phức tạp, khó lường, nhà đầu tư phải thận trọng với rủi ro.

Cũng liên quan đến vàng, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) nêu thời gian qua có nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý và công tác phối hợp chưa tốt, nên hiệu quả quản lý thị trường vàng chưa cao.

Với vấn đề này Thống đốc cho biết mỗi thị trường, lĩnh vực đều có cơ quan chủ trì quản lý thống nhất và các bộ ngành tham gia. Trong việc quản lý thị trường vàng, bộ ngành cần tăng phối hợp. Ngân hàng Nhà nước đã nhận được sự phối hợp từ Bộ Công an, nhất là quá trình can thiệp thị trường vàng để hỗ trợ, theo dõi quá trình triển khai tránh hành vi trục lợi, gian lận.

Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ, kiểm tra doanh nghiệp mua bán vàng miếng, vàng trang sức để tổng kết khắc phục hạn chế khó khăn hiện nay.

Sẽ lập sàn giao dịch vàng 'ở thời điểm phù hợp'

Cũng liên quan tới điều hành thị trường vàng, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm rõ quan điểm về việc có nên thành lập sàn giao dịch vàng hay không.

Thống đốc cho biết sẽ lập sàn giao dịch vàng ở thời điểm phù hợp. (Ảnh: Vietnam+)

Đối với vấn đề này Thống đốc cho hay một số nước đã thành lập sàn giao dịch vàng như Trung Quốc lập sàn vàng tại Thượng Hải, tuy vậy, không nhiều nước trong khu vực thành lập sàn vàng. Lập sàn vàng có mặt tích cực là giao dịch minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, chủ thể sẽ thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, theo bà Hồng, để lập sàn vàng đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở hạ tầng. Việt Nam không phải là sản xuất vàng vậy nên khi vàng giao dịch giữa các chủ thể trên thị trường cũng phải nhập từ thị trường vàng quốc tế.

Theo Thống đốc, để lập sàn giao dịch vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin khác