1. Tài chính

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu giải pháp thu hút vốn tín dụng đầu tư hạ tầng giao thông

Sáng nay (11/11), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn (kéo dài 2 ngày 11 và 12/11) các thành viên Chính phủ. Là tư lệnh ngành đầu tiên trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã nhận được hàng chục câu hỏi của các ĐBQH xung quanh việc điều hành chính sách tiền tệ; công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp…

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) nêu câu hỏi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang), thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều dự án giao thông trọng điểm đã và đang được Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy dư nợ tín dụng đối với các dự án giao thông đang có xu hướng giảm.

Trên cơ sở đó, Đại biểu Cầm đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết nguyên nhân có phải do nhà đầu tư dự án đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay? "Trong thời gian tới, Thống đốc có đề xuất giải pháp gì để tháo gỡ, thu hút nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông?", ĐBQH tỉnh Tiền Giang đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông, đường cao tốc là lĩnh vực mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm.

"Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng km đường xây dựng so với thời gian trước đã tăng lên rất nhanh và nhiệm vụ cho giai đoạn tới đến năm 2030 để có được 5 nghìn km đường cao tốc là mục tiêu rất lớn. Đường cao tốc cần nguồn vốn vay dài hạn. Cho nên đòi hỏi phải đa dạng hóa các nguồn lực từ nhiều kênh", Thống đốc NHNN nêu rõ.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của ĐBQH

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá, theo dõi và trước đây cũng có các dự án về cao tốc, các ngân hàng đã tham gia cho vay vốn, tổng dư nợ các khoản cho vay các dự án cao tốc này khoảng trên dưới 100 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nợ xấu và nợ nhóm hai của các dự án này đang chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 20%.

"Nguyên nhân khác còn do tiền trả nợ làm cao tốc thường đến từ nguồn thu phí. Vì vậy, nếu chính sách thu phí đường cao tốc thường xuyên thay đổi hay các phương án tài chính của các dự án xây dựng đường cao tốc thay đổi sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các dự án này. Do đó, các tổ chức tín dụng khá thận trọng, còn khuôn khổ pháp lý hiện đã đầy đủ", bà Hồng chia sẻ.

Bàn về giải pháp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với giải pháp về nguồn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tăng cường cho vay đồng tài trợ đối với những dự án lớn.

"Đối với đầu tư cơ sở hạ tầng và liên quan đến chống biến đổi khí hậu, việc huy động nguồn lực từ nước ngoài là cần thiết, đặc biệt đối với các dự án ODA trợ giúp phát triển chính thức như ngân hàng ADB, Ngân hàng Thế giới. Quan trọng nhất là chúng ta cân đối vay bao nhiêu để đảm bảo cân đối của nền kinh tế cũng như đảm bảo thủ tục nhanh chóng, thuận thiện. Thời gian qua, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác để giải quyết các khó khăn khi triển khai các dự án này", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.

Trước đó, trả lời đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) về các giải pháp tín dụng để hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đối với Việt Nam, nhu cầu đặc thù đầu tư cho sản xuất, kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng, chỉ số dư nợ tín dụng/GDP hiện đã chiếm hơn 120% GDP. Do đó, trong tổ chức điều hành về tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã hết sức cân nhắc.

Đối với vấn đề giải quyết về vốn, liên quan đến giải pháp về tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo quá trình thực hiện, còn đối với tham mưu cho Chính phủ để tăng cường vốn cho doanh nghiệp và người dân. Theo đó, hiện có rất nhiều nguồn vốn cho doanh nghiệp và người dân như nguồn vốn tự có, nguồn vốn vay ngân hàng, nguồn vốn thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp của nước ngoài, nguồn vốn vay nợ (hiện đã có cơ chế doanh nghiệp đi vay vốn nước ngoài, có khả năng tự vay - tự trả cũng có khuôn khổ pháp lý)…

Do đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, bản thân doanh nghiệp và người dân cần cân nhắc tiếp cận các nguồn vốn phù hợp. Còn khi tiếp cận nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, các tổ chức và cá nhân phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn được vay và khách hàng đó phải có khả năng trả nợ, doanh nghiệp và người dân phải có phương án kinh doanh khả thi.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề nghị làm rõ giải pháp ổn định thị trường vàng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) về thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp, ổn định thị trường vàng với mục tiêu là giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, phòng tránh các hiện tượng nhập lậu vàng. Hiện nay, giá vàng vẫn tăng giảm chưa thật sự ổn định do yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới.

"Giá vàng còn phụ thuộc nhiều vào các biến số từ thị trường tài chính thế giới, lãi suất, tỷ giá, giá dầu… Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, căn cứ vào mục tiêu, chính sách tiền tệ trong thời gian tới để xem xét giải pháp can thiệp", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Về giải pháp căn cơ, theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành đánh giá tổng kết Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, tham mưu, đề xuất với Chính phủ về các giải pháp giải quyết vấn đề, tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Về lâu dài, quan điểm chung của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa, thực hiện các giải pháp để vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ.

L.Chi - T. Vy

Tin khác