Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Đầu tư vàng sẽ chịu rủi ro, có thể mất tiền
Sáng 11/11, nêu câu hỏi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại biểu Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) dẫn thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 14/4 về kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp bàn các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Trong đó, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng.
“Đề nghị Thống đốc cho biết thời gian qua đã thực hiện yêu cầu trên như thế nào, tác động đến giá vàng và thị trường vàng hiện tại và tương lai ra sao?”, đại biểu Đức chất vấn.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhắc lại, vừa qua việc bán vàng miếng của ngân hàng nhằm bình ổn giá vàng được nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ bán mà không mua.
“Nếu người dân muốn bán vàng do nhu cầu sử dụng tiền mặt thì bán ở đâu? Ngân hàng không mua thì các cửa hàng cũng không mua. Mặc khác, ngân hàng bán vàng chỉ áp dụng ở Hà Nội và TPHCM, tại sao không bán khắp cả nước để người dân có nhu cầu mua thuận lợi, dễ dàng?”, đại biểu Hòa đặt câu hỏi.
Trả lời đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường vàng của Việt Nam biến động cũng là diễn biến chung như các nước trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định 24 và cũng đã thực hiện các giải pháp ổn định thị trường vàng từ năm 2013.
Theo Thống đốc, từ năm 2014-2019, thị trường tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm.
Từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao, kéo theo diễn biến giá trong nước tăng cao. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước “chưa can thiệp”.
Từ tháng 6/2024, giá vàng quốc tế lập đỉnh. Vào thời điểm trước khi can thiệp giá vàng, lúc đó giá vàng khoảng 2.300-2.400 USD/ounce. Chênh lệch giá trong nước và quốc tế cao nên Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt.
Trong tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc, đầu tiên là can thiệp qua 9 phiên đấu thầu. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế vẫn ở mức cao.
“Do vậy, để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đã chuyển sang phương án bán trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và SJC”, bà Hồng thông tin.
Theo Thống đốc, nhờ cách thức can thiệp như vậy, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế ở mức từ 15-18 triệu đồng/lượng, đến nay chỉ còn 3-4 triệu.
Tuy nhiên, bà Hồng cho biết, thị trường vẫn còn diễn biến khó lường, phức tạp. Trong khi đó, Việt Nam là nước không sản xuất vàng, việc can thiệp hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.
“Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến này để đưa ra các chính sách ổn định thị trường vàng”, bà Hồng nói thêm.
Người dân "bán hoài" mà không mua
Tranh luận sau đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, những nội dung ông nêu ra là cử tri gửi gắm tới phiên chất vấn, đây cũng là những vấn đề hệ trọng.
Ngân hàng bán vàng miếng nhưng không mua lại, trong khi đó ngoài thị trường cũng không mua vàng miếng, như vậy người dân sẽ bán ở "chợ đen". "Tại sao chúng ta bán mà không mua?”, ông Hòa đặt vấn đề.
Theo ông Hòa, người dân mua vàng miếng của ngân hàng, khi cần tiền thì đi bán. Do vậy, ngân hàng cũng phải mua lại để đồng tiền được sử dụng, lưu chuyển.
“Đằng này bán hoài mà không mua, trong khi đó lượng vàng trong dân rất nhiều. Người ta cần bán lại không mua. Tôi thấy đây là điểm rất bất hợp lý, đề nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm", ông Hòa tranh luận.
Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên thế giới, giá vàng tăng cao rồi lại xuống trong ngày, nên người ta bán, mua phải cân nhắc để quản lý rủi ro. Ví dụ, mua vàng của người dân ở mức giá này, nhưng đến lúc giá xuống, họ bán thì sẽ rủi ro.
“Bao giờ Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo, vì vàng là mặt hàng biến động rất phức tạp, khó lường. Nếu đầu tư thì sẽ chịu rủi ro và cũng có thể mất tiền khi mua bán”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói thêm.
Quang Phong
Trần Thường
Thu Hằng