Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Nếu giảm lãi suất quá sẽ làm tăng tỷ giá
Thị trường ngoại hối tại Việt Nam vẫn còn tình trạng đô la hóa
Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, lãi suất tại các nước lớn có xu hướng giảm, đồng tiền mạnh có xu hướng gia tăng gây áp lực lên tỷ giá của tiền Việt Nam; qua đó, gây áp lực lên giá các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam và làm tăng giá thành. Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, đặc biệt là về tỷ giá; đồng thời chỉ rõ các giải pháp tiếp tục giảm lãi suất để doanh nghiệp, người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng.
Trả lời chất vấn đại biểu, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay, diễn biến trên thị trường tiền tệ có những biến động rất phức tạp. Thời gian trước, mặt bằng lãi suất tăng lên, nhưng hiện nay, Fed và một số ngân hàng Trung ương trên thế giới đang ở trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ và đã có một số ngân hàng trung ương giảm lãi suất. Đồng USD biến động phức tạp, có lúc giảm rất mạnh nhưng lại tăng lên trong quý III, hiện nay biến động ở mức cao.
“Ngân hàng Nhà nước thấy đây là những diễn biến tác động rất mạnh đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước. Đối với việc ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá trong nước, đây là một câu chuyện cũng rất khó khăn. Bởi vì, việc này sẽ phụ thuộc vào cung cầu thực, tức là những cung, cầu về nhu cầu ngoại tệ chi ra cho nền kinh tế và những nguồn thu chúng ta có được”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Theo bà Hồng, thị trường ngoại hối tại Việt Nam vẫn còn tình trạng đô la hóa nên còn chịu tác động của các yếu tố tâm lý và kỳ vọng rất nhiều.
“Đối với việc giảm lãi suất, để ổn định tỷ giá mà giảm lãi suất sẽ tác động đến tỷ giá cho nên Ngân hàng Nhà nước vừa qua cũng phải cân bằng, rất khó khăn khi phải thực hiện mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, nếu giảm lãi suất quá thì sẽ tác động làm tăng tỷ giá, có thể sẽ gây ra những câu chuyện tạo tâm lý, thậm chí là tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài nếu tỷ giá không được ổn định”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Vì thế, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, quan điểm của NHNN là bám sát vào mục tiêu theo luật định, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định đồng Việt Nam; điều hành tỷ giá và ngoại hối theo hướng phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường với biên độ ±5%.
"Chúng tôi luôn theo sát diễn biến, trong trường hợp tỷ giá biến động quá lớn, NHNN sẽ kịp thời can thiệp, bán ngoại tệ để đáp ứng kịp thời nhu cầu nhập khẩu cho người dân. Bên cạnh đó, vì đây là thị trường chịu tác động bởi tâm lý kỳ vọng, NHNN sẽ chú trọng vào công tác truyền thông để doanh nghiệp và người dân hiểu rõ về các định hướng chính sách", Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Mặt bằng lãi suất "đã giảm khá nhiều so với các nước"
Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nêu vấn đề có nên tiếp tục giảm lãi suất và có chính sách thay đổi dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá.
Đối với vấn đề này Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục tiêu chính sách tiền tệ là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối. Còn việc có tiếp tục giảm lãi suất hay không phụ thuộc vào diễn biến kinh tế trong nước và thế giới, thanh khoản, tình trạng hệ thống ngân hàng.
"Thời gian vừa qua, chúng ta đã giảm mặt bằng lãi suất khá nhiều so với các nước, cho nên chúng tôi tiếp tục theo dõi", bà Hồng trả lời.
Về dự trữ ngoại hối, bà Hồng thông tin, nguyên tắc quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước là phải đảm bảo an toàn và đảm bảo thanh khoản, vì dự trữ ngoại hối nhà nước để thực hiện cam thiệp khi đất nước gặp những khó khăn và doanh nghiệp khó khăn thì cần phải nguồn ngoại tệ để nhập khẩu để phục vụ sản xuất trong nước.
“Có 3 nguyên tắc là an toàn, thanh khoản và sinh lời. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện theo hướng an toàn, thanh khoản là chủ yếu, còn sinh lời chủ yếu chúng tôi sẽ điều chuyển để đầu tư, dự trữ ngoại hối có lợi nhất cho đất nước”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Khoảng 800.000 tỷ đồng ngân sách nhàn rỗi đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) đặt vấn đề về phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Theo ông, hơn 1 triệu tỷ đồng tiền nhàn rỗi của ngân sách đang để tại Kho bạc Nhà nước thời gian qua.
"Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước phối hợp thế nào để điều chuyển nguồn tiền nhàn rỗi này, góp phần điều hành chính sách tiền tệ tốt nhất?", đại biểu đoàn Quảng Trị nêu.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước có chức năng cung ứng dịch vụ cho Chính phủ, các khoản tiền gửi của Chính phủ gửi tại cơ quan này. Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách Nhà nước, các khoản ngân sách cũng được phép gửi tại các nhà băng trong hệ thống tổ chức tín dụng.
Bà Hồng cho hay, tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước khi chưa sử dụng chủ yếu được gửi ở các ngânhàng thương mại lớn và gần đây được chuyển về gửi tại Ngân hàng Nhà nước.
"Khoảng 80% trong 1 triệu tỷ đồng đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước", Thống đốc chia sẻ.
Tuy vậy, theo nữ Thống đốc, việc gửi tiền ngân sách nhàn rỗi tại các nhà băng cũng có tác động nhất định tới chính sách tiền tệ, thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã có quy chế phối hợp, trao đổi thông tin và chủ động điều tiết tiền tệ.
“Đối với kinh nghiệm của các nước, cách thức điều chuyển tiền gửi của ngân sách nhà nước tại hệ thống từ ngân hàng thương mại về ngân hàng nhà nước là một trong những giải pháp được thực hiện trong bối cảnh lạm phát tăng quá cao sẽ phải rút tiền về ngân hàng nhà nước, ngân hàng trung ương. Còn ở trường hợp ngược lại, khi chúng ta thực hiện hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì có thể điều chuyển ngược lại”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin.
Đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng, để tránh trường hợp các ngân hàng sử dụng nguồn tiền này để cho vay mà nếu không thu nợ được sẽ rủi ro. Bà Hồng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành thì các tổ chức tín dụng không được sử dụng những số tiền này để cho vay.
“Số tiền này sẽ hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối, đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng, cho nên cần phải theo dõi sát, không chủ quan và có sự phối hợp hợp lý để đảm bảo được mỗi một tổ chức tín dụng thì cân đối vốn an toàn cho hoạt động của mình”, Thống đốc cho biết thêm.
Cẩm Tú/VOV.VN