Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Chính sách tài khóa và tiền tệ phối hợp rất tốt
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đề nghị Thống đốc cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động và nền kinh tế trong nước có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài, làm sao để việc điều hành chính sách tiền tệ đáp ứng yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng?
Trả lời đại biểu vào chiều 11/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực tế những năm gần đây, các yếu tố về nước ngoài và trong nước đều tác động và đặt ra thách thức lớn đối với điều hành chính sách tiền tệ và quốc tế. Trong đó, có những diễn biến chưa từng có tiền lệ như dịch Covid-19, giá vàng lập đỉnh chưa từng có trong vòng một năm, lạm phát toàn cầu của các nước tăng cao… Đây là những diễn biến tác động ngay đối với thị trường tiền tệ, tài chính trong nước.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, NHNN đã chủ động tâm thế ứng phó với tình hình. Trong điều hành chính sách tiền tệ, 3 chỉ số quan trọng nhất là lãi suất, tỷ giá và tín dụng trong việc điều hành và NHNN phải thực hiện rất căn cơ.
Thống đốc khẳng định, trước hết là NHNN phải ổn định an toàn hoạt động của hệ thống. Khi hệ thống thanh khoản của tổ chức tín dụng được cải thiện thì NHNN mới nới room tín dụng. Về cơ bản, NHNN với vai trò đặt an toàn hoạt động của hệ thống lên hàng đầu, nên NHNN đã xử lý để ổn định thị trường ngoại hối và an toàn của hệ thống.
Về vấn đề này, trước đó đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) đã đặt câu hỏi về việc mục tiêu tăng trưởng đặt ra là 7 - 7,5%/năm ảnh hưởng gì đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN? NHNN dự kiến điều hành chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khóa ra sao để đạt được mục tiêu này?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời nêu rõ, khi thiết kế điều hành chính sách tiền tệ thì căn cứ và mục tiêu là lạm phát. Còn tăng trưởng kinh tế cũng là một chỉ tiêu để cân nhắc đưa ra định hướng về tăng trưởng tín dụng đầu năm. Chỉ tiêu này sẽ được điều hành và điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế, cùng với đó là sự phối hợp của các chính sách như tiền tệ, tài khóa và các chính sách đầu tư, thương mại khác.
Trong quá trình triển khai, NHNN sẵn sàng thực hiện các giải pháp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể như vừa qua NHNN đã đưa ra gói hỗ trợ cho vay nhà ở đối với người có thu nhập thấp là 120.000 tỷ đồng và nay là 145.000 tỷ đồng, hay gói hỗ trợ cho ngành thủy sản 30.000 tỷ đồng nay là 60.000 tỷ đồng...
Dù có nhiều giải pháp có thể thực hiện song Thống đốc nhấn mạnh không thể chủ quan với lạm phát. “Nếu lạm phát quay trở lại chúng tôi sẽ điều chỉnh để làm sao đạt được mục tiêu tổng thể về kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô cũng như đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế”, bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Ngân hàng không được dùng tiền ngân sách gửi để cho vay
Đánh giá về sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, Thống đốc cho biết, giữa NHNN và Bộ Tài chính có sự phối hợp rất tốt.
Theo đó, hai cơ quan đã chia sẻ các thông tin. Hệ thống ngân hàng nắm giữ tài khoản của ngân sách nhà nước (NSNN), nên tất cả những biến động thu, chi của NSNN sẽ tác động đến thanh khoản của hệ thống, NHNN phải nắm bắt thông tin để điều hành hằng ngày. NHNN điều tiết tiền tệ hằng ngày qua các phiên giao dịch trên nghiệp vụ thị trường mở. Khi thanh khoản thiếu, hay dư thừa tác động đến các yếu tố như tỷ giá… sẽ được NHNN điều tiết, đấy là sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa.
Bên cạnh đó, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, chỉ đạo về thúc đẩy các phân khúc của thị trường tài chính, như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp… Các thị trường này phát triển sẽ giải quyết được nhu cầu vốn dài hạn cho doanh nghiệp và người dân.
Đây là sự phối hợp làm giảm áp lực, rủi ro cho hệ thống các ngân hàng, với bản chất là cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, chủ yếu là nguồn vốn lưu động cho doanh nghiệp và người dân, Thống đốc NHNN cho biết.
Cũng quan tâm đến sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là những thời điểm nhạy cảm khi áp lực tỷ giá căng thẳng, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị Thống đốc đánh giá về sự phối hợp giữa NHNN, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước để điều hành chính sách tiền tệ được tốt nhất.
Theo kinh nghiệm các nước, việc điều chuyển tiền gửi của NSNN tại hệ thống ngân hàng thương mại về ngân hàng trung ương là một trong những giải pháp được thực hiện trong bối cảnh lạm phát tăng quá cao. Khi đó, sẽ phải rút tiền về ngân hàng trung ương. Trường hợp thực hiện hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì có thể điều chuyển ngược lại.
Theo Thống đốc, tiền NSNN được cho phép gửi ở các ngân hàng trong hệ thống. Trước đây tiền gửi của Kho bạc Nhà nước khi chưa sử dụng chủ yếu gửi ở các ngân hàng thương mại, tuy nhiên trong những năm gần đây đã chuyển về NHNN. 80% số dư 1 triệu tỷ đồng của quỹ ngân sách mà đại biểu đề cập được gửi ở NHNN.
Việc gửi tiền này có những tác động với điều hành hoạt động của ngân hàng cũng như điều hành chính sách tiền tệ. Chính vì vậy, thời gian vừa qua NHNN và Bộ Tài chính đã có quy chế phối hợp, hai bên thường xuyên trao đổi thông tin để NHNN chủ động điều tiết tiền tệ. Các tổ chức tín dụng phải nắm bắt thông tin về thu chi của ngân sách và đặc biệt là những khoản thu chi với khối lượng lớn và trong thời gian ngắn để chủ động trong điều tiết tiền tệ.
Trong luật quy định, để tránh rủi ro, các tổ chức tín dụng không được sử dụng số tiền NSNN gửi này để cho vay. Tuy nhiên, một cách gián tiếp thì số tiền này sẽ hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối, đảm bảo thanh khoản. Do đó, cần phải theo dõi sát, không chủ quan và có sự phối hợp hợp lý để đảm bảo các tổ chức tín dụng cân đối vốn và an toàn cho hoạt động của mình, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời./.
Hoàng Yến