1. Tài chính

Thị trường vốn IPO Việt Nam huy động được khoảng 37 triệu USD

IPO không chỉ là một trong những đích đến, mà còn thể hiện trạng thái thanh khoản của doanh nghiệp.

IPO được hiểu là lần đầu huy động vốn bán cổ phiếu rộng rãi của doanh nghiệp. Nếu IPO thành công, doanh nghiệp có thể sẽ trở thành công ty đại chúng và có thể được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trong báo cáo IPO khu vực Đông Nam Á do Deloitte vừa phát hành đã cung cấp những phân tích về thị trường vốn IPO khu vực Đông Nam Á năm 2024, điểm lại những xu hướng chính trên bối cảnh toàn cầu cùng những hiểu biết chuyên sâu về các cơ hội mới nổi trong năm 2025 sắp tới.

Theo Báo cáo, trong hơn 10 tháng qua, thị trường vốn IPO ở Đông Nam Á đã chứng kiến 122 thương vụ IPO, huy động được khoảng 2,9 tỷ USD. Trong khi số lượng IPO vẫn cho thấy tín hiệu tích cực, tổng số vốn huy động được lại ở mức thấp nhất trong chín năm qua, giảm mạnh so với mức 5,8 tỷ USD huy động được qua 163 thương vụ IPO vào năm 2023.

Phần lớn nguyên do của sự sụt giảm trong hoạt động IPO của khu vực so với năm trước là do không có các thương vụ IPO bom tấn. Trong năm 2024, chỉ có một thương vụ IPO huy động được hơn 500 triệu USD, trái ngược với bốn thương vụ tương tự vào năm 2023.

Bất chấp những thách thức cho thị trường vốn trên toàn thế giới, vốn bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn của kinh tế toàn cầu và những thay đổi đáng kể về mặt chính trị, Malaysia vẫn nổi lên như một điểm sáng ở Đông Nam Á. Quốc gia này dẫn đầu khu vực trong cả ba chỉ số chính: Số thương vụ IPO, tổng số tiền IPO huy động được và vốn hóa thị trường IPO.

Xét về các ngành hàng, Tiêu dùng và Năng lượng và Tài nguyên là hai ngành thống trị khu vực, chiếm 52% tổng số thương vụ IPO và 64% tổng số vốn IPO huy động được.

Bà TAY Hwee Ling - Lãnh đạo Dịch vụ Đảm bảo Kế toán & Báo cáo, Deloitte Đông Nam Á cho biết, thị trường IPO của Đông Nam Á đã gặp phải những thách thức có quy mô lớn trong năm 2024, bao gồm biến động tiền tệ, sự khác biệt về quy định giữa các thị trường và căng thẳng địa chính trị, đây đồng thời là các yếu tố tác động đến thương mại và đầu tư.

Việc các nền kinh tế ASEAN ghi nhận lãi suất cao tiếp tục hạn chế khoản vay của doanh nghiệp, làm chậm hoạt động IPO khi các công ty chọn trì hoãn việc niêm yết. Thêm vào đó, sự biến động của thị trường giữa các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, trong khi các yêu cầu pháp lý khác nhau ở các nước Đông Nam Á làm phức tạp hóa mong mỏi được niêm yết xuyên biên giới của các công ty.

“Các công ty quyết định niêm yết ở nước ngoài phải xem xét các thị trường đại diện cho phân khúc tăng trưởng cốt lõi cho doanh nghiệp của họ, nơi các nhà đầu tư có thể hiểu và đánh giá tốt hơn mô hình kinh doanh của họ và nơi các công ty tương tự được niêm yết. Họ cũng nên xem xét thị trường nào có chuyên môn phân tích theo lĩnh vực cụ thể để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực của họ”, bà TAY Hwee Ling nhận xét.

Việt Nam chỉ có một thương vụ IPO (Công ty Chứng khoán công nghệ DNSE) trong hơn 10 tháng năm 2024, huy động được khoảng 37 triệu USD. Đáng chú ý, thương vụ IPO duy nhất này, cũng là thương vụ IPO đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực Công nghệ tài chính, đã vượt qua kết quả huy động của cả thị trường Việt Nam trong năm 2023.

Theo ông Bùi Văn Trịnh - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Đảm bảo (Deloitte Việt Nam), thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 đang trải qua những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian tuyệt vời để nắm bắt các cơ hội, được ủng hộ bởi các điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi và môi trường lãi suất thấp.

“Tôi tin rằng đây cũng là cảm nhận của các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trên thị trường hiện nay. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành các quy định mới để giúp nâng hạng thị trường chứng khoán nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào năm 2025”, ông Trịnh chia sẻ.

Minh Lâm

Tin khác