1. Tài chính

Thị trường vàng: Không để người muốn sở hữu 'hoa mắt chóng mặt'

“Không khuyến khích người dân nắm giữ vàng”

Sáng 11/11, tại phiên chất vấn Thống đốc NHNN, một số đại biểu Quốc hội, đặt câu hỏi liên quan đến thị trường vàng.

Nêu chất vấn, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong thời gian tới cần tập trung những giải pháp như thế nào để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế?

Trả lời câu hỏi, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, người dân khi đầu tư vào vàng, tài sản sẽ “nằm chết” ở đó. Bà Hồng nhấn mạnh, khi thực hiện chống vàng hóa và chống đô la hóa, thì “không khuyến khích người dân nắm giữ vàng”. Bởi theo Thống đốc, khi nắm giữ vàng, có thể giá trị vàng rất lớn, cũng đồng nghĩa với việc số tiền đó người dân không sử dụng được.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh. Ảnh: Như Ý

Nhưng nếu chuyển hóa tài sản này ra Việt Nam đồng, lúc đó sẽ có cơ hội kinh doanh, đầu tư vào lĩnh vực khác, như gửi tiền vào ngân hàng, để ngân hàng dùng tiền đó cho vay sản xuất, kinh doanh, hay đầu tư vào cổ phần, cổ phiếu, thị trường chứng khoán phục vụ sản xuất kinh doanh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tinh thần của Nghị định 24 cũng là chống vàng hóa, không khuyến khích người dân nắm giữ, đặc biệt với vàng miếng, vì có giá trị cao. Chính vì như vậy, mới có chính sách Nhà nước phải độc quyền sản xuất và xuất nhập khẩu vàng miếng, và quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng.

“Hiện nay, chúng tôi đang đánh giá, tổng kết Nghị định 24 theo đúng tinh thần đại biểu Quốc hội nêu, sẽ thiết kế giải pháp để hạn chế nắm giữ vàng”, bà Hồng cho hay.

Đại biểu Dương Khắc Mai. Ảnh: Như Ý

"Các loại vàng đua nhau lập đỉnh, làm cho người muốn sở hữu hoa mắt chóng mặt, các cơ quan quản lý không khỏi đau đầu', ông Dương Khắc Mai.

Người mua hoa mắt chóng mặt, nhà quản lý đau đầu

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) quan tâm đến chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới. Theo đại biểu, sự chênh lệchcho thấy thị trường vàng vẫn chưa thật sự ổn định, thiếu tính bền vững, tiềm ẩn rủi ro, tác động đến thị trường tiền tệ ngoại hối.

“Các loại vàng đua nhau lập đỉnh, làm cho người muốn sở hữu hoa mắt chóng mặt, các cơ quan quản lý không khỏi đau đầu. Giải pháp nào để người dân yên tâm về sự ổn định của Việt Nam đồng để từ đó từ bỏ tâm lý tích góp, đầu cơ, tích trữ vàng, dành nguồn lực cho phát triển đất nước?”, đại biểu nêu chất vấn.

Bên cạnh đó, ông Mai cũng đặt câu hỏi: Khi kéo giá vàng SJC thu hẹp với giá vàng thế giới vậy, ai được hưởng lợi, ai đang chịu thiệt khi đã mua vàng SJC ?

Chia sẻ với đại biểu Dương Khắc Mai về thị trường vàng chưa thực sự ổn định, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói, vàng hiện nay cũng là vấn đề đau đầu của thế giới.

Theo bà, trước khi ngân hàng can thiệp, giá vàng quốc tế là 2.300 - 2.400 USD/ounce. Nhưng đến bây giờ đã tăng lên trên 2.700 USD/ounce. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế tăng hơn 50%.

"Nếu chuyển hóa tài sản này (vàng) ra Việt Nam đồng, lúc đó sẽ có cơ hội kinh doanh, đầu tư vào lĩnh vực khác, như gửi tiền vào ngân hàng, để ngân hàng dùng tiền đó cho vay sản xuất, kinh doanh, hay đầu tư vào cổ phần, cổ phiếu, thị trường chứng khoán phục vụ sản xuất kinh doanh", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Như Ý

Thống đốc tiếp tục khẳng định, việc Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường vàng nhằm mục tiêu thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Mặt khác, nếu mức chênh lệch cao, khi nhu cầu của người dân tăng cao như thời gian qua, sẽ dẫn đến hiện tượng nhập lậu vàng.

“Vì vậy, chúng tôi đã can thiệp và đưa mức chênh giá vàng trong nước và thế giới xuống còn 3 - 4 triệu đồng/lượng”, bà Hồng lý giải.

Thống đốc cũng cho rằng, giá vàng vẫn biến động tăng - giảm và chưa thực sự ổn định, do yếu tố khách quan của kinh tế thế giới. Ngoài ra, giá vàng còn rất phụ thuộc vào các biến số của thị trường tài chính thế giới, từ lãi suất, tỷ giá đến giá dầu…

“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và cũng phải căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ trong thời gian tới để xem xét giải pháp can thiệp”, bà Hồng nói.

Bên cạnh tổng kết Nghị định 24 để đưa ra các giải pháp phù hợp, về lâu dài, Thống đốc tiếp tục khẳng định quan điểm chung của Ngân hàng Nhà nước, cũng như theo chủ trương chống vàng hóa, tức là làm sao để “vàng không phải mặt hàng hấp dẫn để đầu tư, đầu cơ”.

“Còn việc mua vàng để tích lũy theo truyền thống Á Đông thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp đánh giá để cung ứng vàng ra thị trường và đưa ra giải pháp phù hợp”, Thống đốc, cho hay.

Luân Dũng - Trường Phong

Tin khác