Thị trường tài chính 24h: Nhiều ngân hàng tăng phát hành trái phiếu
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 4/10 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 82,00 – 84,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm nhẹ 2,6 USD xuống 2.656,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục lên trên 2.665 USD, trước khi lùi nhẹ về 2.660 USD/ounce cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,90 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 4/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.133 đồng/USD, tăng 18 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.580 – 24.940 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 61.800 USD xuống gần 60.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã hồi phục và lên 61.300 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,78 USD (+1,06%), lên 74,49 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,82 USD (+1,10%), lên 78,47 USD/thùng.
VN-Index tiếp tục giảm
Sau phiên sáng giao dịch khá mờ nhạt, thị trường tiếp tục có thêm hai nhịp rung lắc nhẹ quanh tham chiếu trước khi đổ đèo nới rộng đà giảm và tiếp tục lùi về gần 1.270 điểm khi đóng cửa với dòng tiền quá yếu trên thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch 4/10: VN-Index giảm 7,50 điểm (-0,59%), xuống 1.270,6 điểm; HNX-Index giảm 0,68 điểm (-0,29%), xuống 232,67 điểm; UpCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,34%), xuống 92,37 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Năm (3/10), khi giới đầu tư vẫn quan ngại về tình hình xung đột tại Trung Đông.
Điểm nhấn thuộc về cổ phiếu năng lượng khi đã tăng gần 6% trong tuần này do lo ngại nguồn cung dầu mỏ có thể bị gián đoạn.
Kết thúc phiên 3/10: Chỉ số Dow Jones giảm 184,93 điểm (-0,44%), xuống 42.011,59 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,60 điểm (-0,17%), xuống 5.699,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 6,65 điểm (-0,04%), xuống 17.918,48 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng, nhưng ghi nhận mức giảm tuần mạnh nhất trong một tháng khi lập trường dường như thay đổi của Thủ tướng Shigeru Ishiba về lãi suất đã làm chao đảo đồng yên và các nhà đầu tư bất an.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei tăng 0,22% lên 38.635,62 điểm, nhưng giảm hơn 3% trong tuần.
Chỉ số Topix tăng 0,39% lên 2.694 điểm và giảm 1,7% trong tuần này.
Thủ tướng Ishiba, một người trước đây chỉ trích việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), đã giành được sự ủng hộ của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền trong một cuộc bỏ phiếu vào tuần trước và gây ra sự tăng giá của đồng yên.
Nhưng quan điểm đó đã đảo ngược nhanh chóng, khi ông kêu gọi một gói kích thích để giảm chi phí sinh hoạt của người dân.
Phiên này, cổ phiếu lớn Fast Retailing, tăng 1,5% và đóng góp nhiều nhất vào mức tăng của Nikkei 225.
Trong khi đó, cổ phiếu dầu và khai thác mỏ đã nhích lên khi giá dầu thô tăng, do lo ngại về xung đột leo thang ở Trung Đông.
Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch dịp Quốc khánh.
Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt, khi các nhà đầu tư mua mạnh cổ phiếu các công ty công nghệ Trung Quốc bao gồm Alibaba Group và Tencent Holdings.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 2,82% lên 22.736,87 điểm và tăng 10,5% trong tuần này. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 3,06% lên 8.156,50 điểm.
Các cổ phiếu công nghệ như Tencent, chủ sở hữu WeChat, tăng 2,5%, Alibaba tăng 3,6% và JD.com tăng 7,3% và Trip.com tăng 7%.
Cổ phiếu nhà sản xuất thuốc Wuxi Biologics tăng 13,3% và Wuxi Apptec tăng 16,2%, trong bối cảnh các phương tiện truyền thông đưa tin rằng họ đang xem xét bán một số mảng hoạt động sau khi bị nhắm mục tiêu bởi dự luật an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Chứng khoán Hàn Quốc hồi phục sau liên tiếp ba phiên giảm nhờ cổ phiếu quốc phòng và năng lượng.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 8,02 điểm, tương đương 0,31% lên 2.569,71 điểm. Trong tuần, chỉ số này đã giảm 3%.
Mức tăng của cổ phiếu quốc phòng và dầu mỏ đã bù đắp cho đà giảm trong lĩnh vực vận tải biển và hàng không, khi các nhà giao dịch đánh giá lại nguy cơ xung đột leo thang ở Trung Đông.
Công ty vận tải biển Pan Ocean cổ phiếu giảm 5,4%, trong khi công ty lọc dầu S-Oil tăng 3,5%.
Kết thúc phiên 4/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 83,56 điểm (+0,22%), lên 28.635,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 623,36 điểm (+2,82%), lên 22.736,87 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 8,02 điểm (+0,31%), lên 2.569,71 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Đà tăng của lãi suất đầu vào đã chững lại, áp lực tỷ giá hạ nhiệt
Nhận định diễn biến trên thị trường tiền tệ thời gian qua, MBS cho biết, Fed cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm vào giữa tháng 9 đã giúp giải tỏa áp lực tỷ giá và lãi suất..>> Chi tiết
- Ngân hàng đua phát hành trái phiếu tăng vốn cấp II
VIS Rating dự báo 1-3 năm tới, các ngân hàng sẽ cần khoảng 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2. Nguồn lực này sẽ hỗ trợ các nhà băng tăng vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn..>> Chi tiết
- Đầu tư hưởng cổ tức, rủi ro “bẫy” phân phối
Các cổ phiếu chuẩn bị trả cổ tức thường hấp dẫn, nhất là đối với nhà đầu tư mới, nhưng thời điểm mua không phù hợp có thể dẫn tới thua lỗ, ngay cả khi đó là doanh nghiệp tốt..>> Chi tiết
- Ba lý do khiến giá dầu không “cháy” theo “thùng thuốc súng” Trung Đông
Giá dầu thô bật tăng 3 phiên sau sau khi Iran phóng khoảng 200 quả tên lửa vào Israel. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá dầu thô khó có thể bật tăng mạnh dù xung đột Trung Đông lan rộng..>> Chi tiết
Thạch Bắc tổng hợp