Thị trường tài chính 24h: Nhiều biến động
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 2/10 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 82,00 – 84,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 28,9 USD lên 2.663,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hạ nhiệt và biến động nhẹ quanh 2.650 USD/ounce cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,29 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 2/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.094 đồng/USD, tăng 13 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.480 – 24.820 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 63.500 USD xuống 62.500 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục giảm và lùi về 60.500 USD, trước khi hồi phục lên 61.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,89 USD (+2,71%), lên 71,72 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,82 USD (+2,47%), lên 75,38 USD/thùng.
VN-Index giảm nhẹ
Sự thận trọng trước các thông tin bất lợi từ bên ngoài khiến sắc đỏ chiếm thế áp đảo từ sớm trên bảng điện tử, nhưng lực bán bán không xuất hiện, nên VN-Index lình xình trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 1.290 điểm.
Có thời điểm VN-Index nới rộng đà giảm về gần 1.285 điểm, nhưng lực cầu chờ mua giá thấp khá tốt, bên bán đã chùn tay, khiến giao dịch chậm lại và VN-Index chỉ giằng co trong biên độ hẹp, đóng cửa giảm nhẹ.
Kết thúc phiên giao dịch 2/10: VN-Index giảm 4,36 điểm (-0,34%), xuống 1.287,84 điểm; HNX-Index giảm 1 điểm (-0,42%), xuống 235,05 điểm; UPCoM-Index đứng ở mức 93,28 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Ba (1/10), khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn sau khi Iran phóng loạt tên lửa đạn vào vào lãnh thổ Israel.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo về mức độ sợ hãi trên Phố Wall đã tăng hơn 15 điểm, nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng tăng của nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư hiện sẽ tập trung theo dõi dữ liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ vào thứ Năm và bảng lương hàng tháng vào thứ Sáu.
Kết thúc phiên 1/10: Chỉ số Dow Jones giảm 173,18 điểm (-0,41%), xuống 42.156,97 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 57,73 điểm (-0,93%), xuống 5.708,75 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 278,81 điểm (-1,53%), xuống 17.910,36 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh, sau khi căng thẳng leo thang ở Trung Đông khiến các nhà đầu tư tránh xa thị trường.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,18% xuống 37.808,76 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,44% xuống 2.651,96 điểm.
"Sự leo thang ở Trung Đông đã dẫn đến một phản ứng tránh rủi ro thường thấy là nhà đầu tư bán giảm vị thế”, Charu Chanana, chiến lược gia thị trường tại Saxo cho biết.
Trong đó, nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu mức giảm, với Tokyo Electron giảm 3,7%, Advantest giảm 4,9% và SoftBank Group giảm 2,4%.
Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch dịp Quốc khánh.
Chứng khoán Hồng Kông tăng phiên tăng thứ sáu liên tiếp, đạt đạt mức cao nhất trong 22 tháng khi sự phấn khích vẫn đang lan tỏa, nhờ các động thái gần đây của Bắc Kinh nhằm vực dậy nền kinh tế, phục hồi lĩnh vực bất động sản và hỗ trợ thị trường tài chính.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 5,65% lên 22.326,84 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 6,52% lên 7.999,67 điểm.
Cổ phiếu các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc giao dịch tại Hồng Kông tăng vọt, như China Vanke tăng 10%, Longfor Holdings Group tăng 19,8%.
Chỉ số Hang Seng đã tăng 23% trong sáu ngày giao dịch vừa qua kể từ khi Bắc Kinh thông báo triển khai các chính sách hỗ trợ, khiến đây trở thành đợt tăng giá nhanh nhất kể từ năm 2008.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông sau khi Iran tấn công Israel bằng tên lửa.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 31,58 điểm, tương đương 1,22% xuống 2.561,69 điểm.
Kết thúc phiên 2/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 843,21 điểm (-2,18%), xuống 37.808,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 1.185,87 điểm (+5,61%), lên 22.319,55 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 31,58 điểm (-1,22%), xuống 2.561,69 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Phác họa chính sách tiền tệ quý IV
Áp lực bên ngoài (tỷ giá) giảm dần khi Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất, theo giới chuyên gia, đang “ủng hộ” cho việc duy trì định hướng nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế..>> Chi tiết
- Vận tải biển kỳ vọng "thông luồng" cuối năm
So với đỉnh tháng 7/2024, giá cước vận tải biển thế giới hiện thấp hơn 33%, nhưng vẫn ở mức cao so với trước và các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đầu tư tàu, với kỳ vọng nhu cầu vận chuyển hàng hóa sẽ tăng trong dài hạn, trước mắt là mùa vụ cuối năm 2024..>> Chi tiết
- Kỳ vọng ngân hàng tham gia xử lý nợ trái phiếu
Tuần qua, thương vụ Bitexco thoái hết vốn tại Công ty TNHH Saigon Glory, chủ đầu tư dự án The Spirit of Saigon được thị trường chú ý..>> Chi tiết
- Lạm phát thuận đường cho ECB hạ lãi suất
Lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm xuống dưới mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu, khiến các nhà đầu tư đặt cược rằng lãi suất có thể được cắt giảm nhanh hơn dự kiến..>> Chi tiết
Thạch Bắc tổng hợp