Thị trường M&A sôi động trở lại nhờ sự dẫn dắt của vốn ngoại
Thị trường sôi động trở lại
Mới đây nhất, trong tháng 10/2024, đã có hai thương vụ M&A đến từ dòng vốn ngoại. Cụ thể, Tập đoàn Keppel (Singapore) đã tiến hành bán 70% vốn tại hai dự án bất động sản lớn ở TP Hồ Chí Minh là Saigon Sports City (thành phố Thủ Đức) và Saigon Centre giai đoạn 3 (Quận 1), với tổng giá trị thương vụ ước tính lên đến 8.500 tỷ đồng. Đây là hai trong những thương vụ M&A bất động sản lớn nhất trong năm và có tác động lớn đến thị trường M&A Việt Nam.
Cụ thể, đối với dự án Saigon Sports City, Keppel cho biết công ty con là Jencity đang tiến hành thoái 70% vốn tại công ty chủ đầu tư dự án này. Trong đó, 35% vốn được bán cho Công ty TNHH HTV Đại Phước và 35% còn lại bán cho Công ty cổ phần Bất động sản Vinobly. Giá trị thương vụ tối đa vào khoảng 7.450 tỷ đồng.
Đối với dự án Saigon Centre giai đoạn 3, công ty con Himawari VNSC3 đã phát hành 46,3 triệu cổ phiếu phổ thông mới cho Toshin Development (một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản). Toshin sẽ trả khoảng 46,4 triệu USD (1.142 tỷ đồng) cho thương vụ trên, thanh toán làm 7 đợt. Đợt cuối cùng sẽ được thanh toán sau khi dự án Saigon Centre giai đoạn 3 được cấp giấy phép xây dựng.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc Keppel thoái vốn không chỉ là động thái tái cơ cấu danh mục đầu tư của tập đoàn, mà còn cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường bất động sản Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Các dự án Saigon Sports City và Saigon Centre đều là những dự án bất động sản chiến lược tại TP Hồ Chí Minh, giúp củng cố vị thế của thành phố này như một trung tâm kinh tế lớn của khu vực. Các thương vụ này dự kiến sẽ hoàn thành sau khi các điều kiện pháp lý cần thiết được đáp ứng.
Thương vụ đình đám thứ 3 đến từ dòng vốn ngoại là Sembcorp Solar Vietnam Pte Ltd (Singapore) hoàn tất việc mua lại phần lớn vốn tại ba công ty con thuộc hệ thống của Tập đoàn Gelex trong tháng 8/2024. Bên cạnh đó, Sembcorp cũng có kế hoạch mua tiếp 73% cổ phần của công ty con thứ tư thuộc hệ thống này, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2024. Đây là một trong những thương vụ lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ của các nhà đầu tư vào các dự án năng lượng sạch tại Việt Nam.
Không chỉ thế, thương vụ này còn nhấn mạnh sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong bối cảnh Chính phủ đang khuyến khích phát triển các dự án năng lượng bền vững. Sự đầu tư mạnh mẽ của Sembcorp vào các dự án điện mặt trời và năng lượng sạch cho thấy tầm nhìn dài hạn của các nhà đầu tư quốc tế về tiềm năng phát triển của ngành năng lượng tại Việt Nam.
Ngoài các thương vụ lớn trên, còn nhiều thương vụ khác được mua bán và chuyển nhượng thông qua cổ phiếu. Cụ thể, ngày 5/9/2024, Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) có nghị quyết về việc chào mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu, tương đương 43,2% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco Group, mã SBB).
Hiện tại, Sabeco là cổ đông lớn nhất tại Sabibeco Group, Tổng công ty và người có liên quan nắm giữ hơn 19,8 triệu cổ phiếu SBB, tương đương tỷ lệ sở hữu 22,7%. Với giá giá chào mua 22.000 đồng/cổ phiếu, Sabeco cần chi 832 tỷ đồng cho thương vụ M&A này.
Sabeco cho biết, mục đích chào mua là để nâng tỷ lệ sở hữu tại Sabibeco Group, qua đó mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của Sabeco. Việc chào mua dự kiến được thực hiện trong năm 2024 và hoàn tất trong tối thiểu 30 ngày giao dịch và tối đa 60 ngày giao dịch kể từ ngày bắt đầu nhận đăng ký bán được xác định trong bản thông báo chào mua công khai.
Trước đó, trong tháng 8/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã KDC) đã có 3 lần mua vào cổ phiếu Công ty cổ phần Hùng Vương (Hùng Vương Plaza) với khối lượng lớn. Cụ thể, ngày 9/8, Kido mua 9,5 triệu cổ phiếu, ngày 22/8 mua 4,5 triệu cổ phiếu, ngày 27/8 mua 4,19 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu tại Hùng Vương Plaza từ 17,35% lên 75,39%.
Hùng Vương Plaza là công ty chủ quản Trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza (số 126 Hồng Bàng, Quận 5, TP Hồ Chí Minh) với 4 mặt tiền và tổng diện tích sàn kinh doanh thương mại gần 45.000 m2, gồm 7 tầng nổi thương mại cùng bãi giữ xe tầng hầm và ngoài trời. Mục tiêu của Kido là nắm giữ 77% cổ phần tại Hùng Vương Plaza.
Triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán tác động tới M&A
Nhìn về tương lai, thị trường M&A Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thương vụ lớn trong lĩnh vực bất động sản và tài chính vào quý cuối năm 2024 và đầu năm 2025, khi Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh kế hoạch nâng cấp thị trường chứng khoán lên hạng mới nổi thứ cấp của FTSE vào năm 2025, mở ra nhu cầu vốn lớn và kích hoạt các thương vụ sáp nhập quy mô lớn trong ngành tài chính và bất động sản.
Hiện tại, Việt Nam đang được xếp hạng thị trường cận biên và việc nâng hạng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới khi các quỹ đầu tư nước ngoài có thể đổ vào Việt Nam với quy mô lớn hơn. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu Việt Nam thành công trong việc nâng hạng, dòng vốn ngoại sẽ tăng mạnh, tạo ra áp lực mua cổ phiếu và đẩy mạnh các thương vụ M&A trong các lĩnh vực như tài chính, bất động sản và năng lượng.
Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam dự báo, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam và các thương vụ M&A sẽ gia tăng nhờ việc cải thiện hành lang pháp lý và sự phát triển cơ sở hạ tầng. Thị trường bất động sản khu công nghiệp cũng sẽ là điểm đến chính của dòng vốn ngoại, khi nhu cầu về mặt bằng sản xuất tăng cao từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong lĩnh vực tài chính, các thương vụ M&A dự báo sẽ gia tăng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Một trong những yếu tố thúc đẩy chính là việc nâng cấp thị trường chứng khoán và nhu cầu huy động vốn để tăng cường năng lực cạnh tranh. Các ngân hàng và công ty chứng khoán lớn đã và đang triển khai các kế hoạch tăng vốn, chuẩn bị cho đợt bùng nổ hoạt động M&A sắp tới.
Điển hình, Công ty Chứng khoán VietCap vừa công bố kế hoạch phát hành riêng lẻ 1.436 triệu cổ phiếu với giá chào bán 28.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về hơn 4.021 tỷ đồng từ 66 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đây là một trong những động thái mạnh mẽ của VietCap nhằm tăng cường vị thế trên thị trường và chuẩn bị cho các hoạt động M&A trong tương lai gần.
Ngoài ra, các ngân hàng lớn như VPBank cũng đã thực hiện các thương vụ M&A nổi bật, tiêu biểu là việc Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản mua 15% cổ phần của VPBank vào cuối năm 2023 với giá trị lên tới 15 tỷ USD. Đây là một trong những thương vụ lớn nhất trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng của Việt Nam trong những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục mở đường cho các giao dịch M&A lớn trong ngành.
Bất động sản và năng lượng tái tạo là hai lĩnh vực chính thu hút dòng vốn M&A trong năm 2024 và sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Với sự cải thiện về mặt pháp lý, đặc biệt là việc có hiệu lực của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam đang được "tiếp sức" mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương vụ M&A trong ngành này.
Tuy nhiên, để các thương vụ lớn thực sự diễn ra, thị trường cần sự đồng thuận từ nhiều phía, bao gồm sự ổn định vĩ mô, chính sách pháp lý hoàn thiện, và sự mở rộng cơ hội tiếp cận vốn từ các quỹ đầu tư lớn. Những thương vụ tiềm năng đang chờ đợi sự "mạnh tay" từ các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và bất động sản.
Hải Yên/Báo Tin tức