Thị trường IPO Đông Nam Á: Malaysia lập kỷ lục, Việt Nam chỉ có một thương vụ
Theo Báo cáo IPO khu vực Đông Nam Á do Deloitte mới được công bố, kể từ đầu năm 2024 tới ngày 15/11/2024, thị trường vốn IPO ở Đông Nam Á đã chứng kiến 122 thương vụ IPO, huy động được khoảng 2,9 tỷ USD.
Trong khi số lượng IPO vẫn cho thấy tín hiệu tích cực, tổng số vốn huy động được lại ở mức thấp nhất trong 9 năm qua, giảm mạnh so với mức 5,8 tỷ USD huy động được qua 163 thương vụ IPO vào năm 2023.
Theo Deloitte, phần lớn nguyên do của sự sụt giảm trong hoạt động IPO của khu vực so với năm trước là do không có các thương vụ IPO bom tấn. Trong năm 2024, chỉ có một thương vụ IPO huy động được hơn 500 triệu USD, trái ngược với bốn thương vụ tương tự vào năm 2023.
Xét về các ngành hàng, tiêu dùng và năng lượng & tài nguyên là 2 ngành thống trị khu vực, chiếm 52% tổng số thương vụ IPO và 64% tổng số vốn IPO huy động được.
Xét về từng quốc gia, báo cáo cho thấy, Malaysia, Thái Lan và Indonesia đã huy động được tổng cộng khoảng 2,6 tỷ USD, chiếm hơn 90% tổng số tiền huy động được tại Đông Nam Á.
Tại Malaysia, quốc gia này, chứng kiến một năm kỷ lục với 46 thương vụ IPO, huy động được 1,5 tỷ USD, cao nhất trong 6 năm cùng 6,6 tỷ USD vốn hóa thị trường IPO, chiếm một nửa tổng số tiền IPO của khu vực Đông Nam Á được huy động trong năm nay.
Bất chấp những thách thức tại thị trường vốn trên toàn thế giới, vốn bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn của kinh tế toàn cầu và những thay đổi đáng kể về mặt chính trị, Malaysia vẫn nổi lên như một điểm sáng ở Đông Nam Á. Quốc gia này dẫn đầu khu vực trong cả 3 chỉ số chính: số thương vụ IPO, tổng số tiền IPO huy động được và vốn hóa thị trường IPO.
Tại Thái Lan, số thương vụ IPO đã giảm so với năm trước, chỉ có 29 thương vụ trong năm 2024, tuy nhiên, tổng số tiền huy động được là 756 triệu USD, chiếm 26% tổng số tiền của khu vực. Điều này đưa Thái Lan trở thành một trong ba thị trường hàng đầu ở Đông Nam Á.
Tại Indonesia, thị trường IPO năm 2024 của quốc gia này ghi nhận sự sụt giảm đáng kể với 39 thương vụ IPO huy động được 368 triệu USD, so với 79 thương vụ IPO huy động được 3,6 tỷ USD trong cả năm 2023. Các công ty quy mô nhỏ hơn đã tham gia IPO với các mục tiêu huy động vốn thận trọng hơn do nhiều yếu tố về chính trị và kinh tế vĩ mô toàn cầu tác động.
Singapore đã chứng kiến bốn thương vụ IPO trên sàn Catalist, huy động được khoảng 34 triệu USD trong 10,5 tháng đầu năm nay. Bốn thương vụ niêm yết thuộc các ngành tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp, khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe.
Theo báo cáo của Deloitte, Việt Nam chỉ có một thương vụ IPO trong hơn 10 tháng đầu năm 2024. Chứng khoán DNSE là doanh nghiệp thực hiện thành công thương vụ IPO này, huy động được khoảng 37 triệu USD. Đây là thương vụ vụ IPO đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ tài chính, đã vượt qua kết quả huy động của cả thị trường Việt Nam trong năm 2023.
"Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 đang trải qua những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian tuyệt vời để nắm bắt các cơ hội nhờ điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi và môi trường lãi suất thấp," ông Bùi Văn Trịnh, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Đảm bảo của Deloitte Việt Nam cho biết.
Nhìn về tương lai của thị trường IPO trong khu vực, theo bà Hwee Ling, lãnh đạo Dịch vụ Đảm bảo Kế toán và Báo cáo của Deloitte Đông Nam Á, việc dự kiến cắt giảm lãi suất cùng với việc cắt giảm lạm phát có thể tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các thương vụ IPO trong những năm tới. Nền tảng tiêu dùng mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và tầm quan trọng mang tính chiến lược của Đông Nam Á trong các lĩnh vực như bất động sản, chăm sóc sức khỏe và năng lượng tái tạo vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư.
"Khi nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục chảy vào khu vực, năm 2025 đã sẵn sàng trở thành một năm cho các thương vụ IPO mới trên khắp Đông Nam Á," chuyên gia này dự báo.
KIỀU CHINH