1. Chứng khoán

Thị trường hàng hóa: Giá cà phê phá vỡ kỷ lục mới, kim loại giảm do áp lực bán mạnh

Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, hai mặt hàng cà phê liên tiếp phá vỡ kỷ lục. Đáng chú ý, giá cà phê Arabica đang rất gần mốc 6.000 tấn/USD – mức cao chưa từng có trong lịch sử; giá mặt hàng đường thô cũng đang neo ở mức đỉnh trong vòng 7 tháng. Trong khi đó, sắc đỏ đã quay lại thị trường kim loại, nhiều mặt hàng giảm giá do hoạt động chốt lời mạnh. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index gần như đi ngang ở mức 2.202 điểm.

Giá cà phê phá vỡ kỷ lục mới, kim loại giảm do áp lực bán mạnh

Giá cà phê tiếp tục leo đỉnh

Đóng cửa ngày giao dịch hôm qua, giá hai mặt hàng cà phê tăng phiên thứ ba liên tiếp. Nổi bật, giá cà phê Robusta tăng 2,5%, lên 5.446 USD/tấn; giá cà phê Arabica cũng nhích thêm 0,5% so với tham chiếu lên 5.932 USD/tấn. Triển vọng nguồn cung kém tích cực tại hai quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất trên thế giới là Brazil và Việt Nam vẫn tiếp tục hỗ trợ đà tăng cho giá.

Hãng tư vấn Hedgepoint ước tính sản lượng cà phê vụ 2024-2025 của Brazil là 63 triệu bao, giảm 3 triệu bao so với vụ trước; sản lượng cà phê của Việt Nam là 27 triệu bao, thấp hơn so với dự báo trước. Đơn vị này dự báo cà phê toàn cầu sẽ thâm hụt năm thứ 4 liên tiếp do sản lượng giảm tại Việt Nam và Brazil đồng thời giá sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi các thông tin cơ bản trong những tháng tới.

Trước đó, trong dự báo của Cơ quan Cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) đã cắt giảm hơn 4 triệu bao sản lượng cà phê dự kiến thu hoạch trong năm 2024 của Brazil, về còn 54,79 triệu bao, thấp hơn 0,51% so với năm 2023 và gần 7% so với dự báo trước đó. Sản lượng cà phê Arabica giảm 2,52 triệu bao so với báo cáo trước và cà phê Robusta giảm hơn 1,5 triệu bao về 15,2 triệu bao, thấp hơn 6% so với năm trước.

Hơn thế, tình trạng sản lượng giảm tại cả hai quốc gia đều xuất phát từ vấn đề thời tiết, cụ thể là nắng nóng kéo dài đúng giai đoạn ra hoa và đậu quả. Tại Brazil, dù đã có dự báo mưa nhưng lượng mưa ít nên một số vùng vẫn còn khô cục bộ. Trong khi đó, Việt Nam đã trải qua nhiều tháng có mưa, năng suất cây trồng đã được cải thiện đáng kể so với những tháng đầu năm khi đối diện với khô hạn; tuy vậy lo ngại lượng mưa quá mức do ảnh hưởng từ La Nina trong giai đoạn thu hoạch vẫn đang là quan tâm của thị trường và tạo hỗ trợ với giá.

Một diễn biến đáng chú khác trên thị trường nguyên liệu công nghiệp là giá đường thô tăng thêm 1,3%, neo ở mức cao nhất trong vòng 7 tháng qua. Thị trường tiếp tục phản ứng với lo ngại nguồn cung thấp hơn kỳ vọng tại Brazil.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (26/9), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng cùng chiều với giá cà phê thế giới, hiện dao động 120.500 - 121.100 đồng/kg, tăng khoảng 500 đồng/kg so với hôm qua.

Hoạt động chốt lời ở mức giá cao đẩy giá kim loại giảm

Theo MXV, kết phiên giao dịch hôm qua, đã có 5/10 mặt hàng kim loại giảm giá, sắc đỏ dần quay lại bảng giá kim loại sau phiên giao dịch khởi sắc trước đó, chủ yếu là do hoạt động chốt lời của giới đầu tư tại mức giá cao. Đối với kim loại quý, giá bạc suy yếu từ mức đỉnh gần 4 tháng, đóng cửa tại mức 32,01 USD/oz sau khi giảm 1,27%. Ở chiều ngược lại, giá bạch kim tiếp đà tăng với mức tăng 0,4% lên 991,7 USD/oz.

Thị trường kim loại quý tiếp tục được hưởng lợi sau động thái hạ lãi suất quy mô lớn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giới chuyên gia dự báo giá bạc, bạch kim hay vàng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong thời gian tới nhờ sự hỗ trợ của môi trường lãi suất thấp.

Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị đang có chiều hướng gia tăng cũng đang hỗ trợ cho giá kim loại quý. Thị trường đang lo ngại về khả năng bạo lực lan rộng ở Trung Đông khi Israel tăng cường tấn công lực lượng dân quân Hezbollah của Lebanon do Iran hậu thuẫn, với việc hai bên trao đổi tên lửa ngay cả khi Israel vẫn tiếp tục cuộc chiến ở Gaza.

Tuy vậy, giá bạc vẫn giảm trong phiên hôm qua chủ yếu là do hoạt động chốt lời của giới đầu tư sau khi giá đã bật tăng mạnh lên mức đỉnh gần 4 tháng trong phiên hôm qua.

P.L

Tin khác