Thị trường hàng hóa: Chỉ số MXV-Index phục hồi, chấm dứt chuỗi giảm 5 phiên
Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng 0,48% lên 2.167 điểm, chấm dứt đà giảm kéo dài 5 phiên liên tiếp trước đó. Đáng chú ý, nhóm năng lượng dẫn dắt đà tăng của toàn thị trường khi toàn bộ 5 mặt hàng đều ghi nhận mức tăng ấn tượng. Trong khi đó, nhóm nguyên liệu công nghiệp đi ngược xu hướng chung với 7 trên 9 mặt hàng đồng loạt giảm giá.
Giá dầu thô bất ngờ quay đầu đi lên
Giá các mặt hàng dầu thô đồng loạt khởi sắc trong phiên giao dịch đầu tuần sau chuỗi phiên liên tục chịu áp lực bán mạnh vào tuần trước. Động lực tăng giá đến từ những biện pháp kích thích kinh tế mới của Trung Quốc cùng tình hình căng thẳng leo thang tại Trung Đông.
Kết thúc phiên, giá dầu thô WTI giao tháng 12 tăng 1,35 USD lên 70,04 USD/thùng, chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp. Tương tự, giá dầu thô Brent giao tháng 12 cũng ghi nhận mức tăng 1,68% lên 74,29 USD/thùng.
Sáng 21/10, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) theo đúng thông báo trước của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nhằm vực dậy nền kinh tế tăng trưởng chậm. Cụ thể, LPR kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25% (từ 3,35% xuống 3,1%). Trong khi đó, LPR kỳ hạn 5 năm (áp dụng cho các khoản vay dài hạn như vay mua nhà, thế chấp) giảm về mức 3,6% từ 3,85%.
Động thái này diễn ra sau khi dữ liệu cho thấy GDP quý III của Trung Quốc chỉ tăng 4,6%, thấp hơn mục tiêu 5% cho cả năm mà nước này đặt ra. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc cho các hoạt động kinh tế, từ đó hỗ trợ giá dầu.
Tại khu vực Trung Đông, thị trường đang đánh giá lại khả năng xung đột leo thang giữa Iran và Israel. Cuối tuần qua, khu dân cư của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bị tấn công bởi một máy bay không người lái của lực lượng Hezbollah, tuy nhiên không ghi nhận thiệt hại về người. Đồng thời, Tel Aviv cũng đang thúc giục Washington triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa mới tới Israel.
Động thái này được cho là nhằm chuẩn bị cho khả năng đáp trả của Iran nếu Israel thực hiện trả đũa cuộc tấn công bằng tên lửa của Tehran ngày 1/10. Những diễn biến này làm tăng rủi ro căng thẳng tại Trung Đông có thể bùng phát thành một cuộc xung đột toàn diện và gây gián đoạn nguồn cung dầu thô từ khu vực này. Thông tin này cũng giúp cho giá dầu thô đảo chiều phục hồi trong phiên hôm qua.
Giá cà phê đồng loạt đi xuống do áp lực thông tin cơ bản
Khép lại phiên giao dịch ngày 21/10, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt suy yếu. Cụ thể, giá cà phê Arabica giảm 2,18% so với tham chiếu, giá cà phê Robusta đánh mất 2,43%, về mức thấp nhất trong hai tháng. Thị trường tiếp tục chịu sức ép từ thông tin cung - cầu cùng và áp lực từ tỷ giá.
Báo cáo từ các cơ quan thời tiết cho thấy mưa đã trở lại hầu hết các vùng trồng cà phê chính của Brazil vào tuần trước. Điều này giúp cải thiện điều kiện phát triển của cây cà phê cũng như mang theo kỳ vọng mùa vụ cà phê 2025-2026 có thể cải thiện sau chuỗi ngày khô hạn kỷ lục kéo dài.
Dự báo mưa sẽ tiếp diễn ít nhất đến hết tháng 10. Lượng mưa gia tăng tại khu vực Đông Nam của Brazil, kết hợp cùng nhiệt độ dịu xuống sẽ là điều kiện lý tưởng để cây cà phê tiếp tục phục hồi và phát triển. Tuy vậy, nông dân và giới phân tích vẫn dự đoán sản lượng cà phê thu hoạch trong năm 2025 của Brazil sẽ tiếp tục giảm so với năm nay do mưa đến muộn khiến mùa vụ không thể phục hồi hoàn toàn.
Ngoài ra, thông tin được nhiều nhà đầu tư, xuất khẩu và nhập khẩu cà phê trên thế giới quan tâm là quy định nhập khẩu hàng hóa liên quan đến phá rừng của EU (EUDR) đã có thông báo mới nhất. Theo đó, các đại sứ Liên minh châu Âu đã nhất trí gia hạn việc thực thi quy định EUDR thêm một năm cho đến cuối tháng 12 năm sau.
Việc trì hoãn này kỳ vọng sẽ giúp cung - cầu cà phê trên thị trường bình ổn hơn khi các nhà nhập khẩu cà phê tại châu Âu sẽ kìm lại tình trạng đẩy mạnh mua vào thời gian qua. Đồng thời, các nhà xuất khẩu cà phê có thời gian để đảm bảo quy định, từ đó đảm bảo nguồn cung cho thị trường khi EUDR chính thức có hiệu lực.
Bên cạnh đó, chỉ số đô la Mỹ tăng 0,5%, kéo theo tỷ giá USD/BRL tăng vọt ngay khi mở cửa. USD/BRL có sự chênh lệch giá lớn hơn, khiến thị trường rơi vào tâm lý lo ngại Brazil sẽ đẩy mạnh xuất khẩu do thu về nhiều ngoại tệ hơn. Điều này gia tăng sức ép lên giá cà phê trong phiên hôm qua.
MXV cho biết thông tin quan trọng các nhà đầu tư nên lưu ý trong thời gian tới là các nhà đầu cơ trên thị trường cà phê phái sinh đã bắt đầu thu hẹp các vị thế mua ròng khi Việt Nam bắt đầu vụ thu hoạch và dự kiến sẽ vào chính vụ trong 1-1,5 tháng tới. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường kỳ vọng nguồn cung mới từ Việt Nam sẽ gây sức ép lên giá.
Tại thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (22/10), giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ dao động trong khoảng 111.100 - 111.700 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê hiện cao gần gấp đôi từ mức 59.100 - 59.900 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá cà phê đã tăng hơn 43.000 đồng/kg so với mức 67.500 - 68.400 đồng/kg.
P.L