Thị trường giằng co quanh đáy ngắn hạn
Diễn biến bất ngờ của trụ VHM trong ngày đầu tiên mua cổ phiếu quỹ lại quay đầu giảm mạnh khiến thị trường yếu ớt kéo dài. Dù vậy thị trường cũng cân bằng lại khá nhanh và phản ứng mua vào quanh vùng đáy đầu tháng 10 đã duy trì thanh khoản tốt. Từ chỗ giảm sâu nhất 6,6 điểm, VN-Index kết phiên chỉ còn giảm 1,51 điểm (-0,12%).
Giao dịch được chờ đợi nhất hôm nay là của VHM khi hoạt động mua cổ phiếu quỹ bắt đầu. Cổ phiếu này không tăng rõ ràng, mức cao nhất chỉ trên tham chiếu 0,21%) và sau đó giảm mạnh, có lúc bốc hơi 3,63%. Chốt phiên sáng VHM giảm 2,38%, trở thành “tội đồ” lớn nhất khiến VN-Index mất hơn 1,2 điểm trong khi đáng lẽ phải là “người hùng” kéo chỉ số.
Kỳ vọng của nhà đầu tư cũng là có cơ sở vì khối lượng mua cổ phiếu quỹ của VHM rất lớn, tới 370 triệu đơn vị. Tuy nhiên nếu nhìn vào các quy định chặt chẽ trong việc đặt lệnh mua cũng như khối lượng mua hàng ngày thì cơ hội để “thổi giá” là không có. Thêm nữa VHM đã có nhịp tăng tới trên 40% kể từ đáy tháng 8 vừa qua, thậm chí trong hơn chục phiên gần nhất đã tăng trên 17%. Hoạt động đầu cơ mua trước đã xảy ra với khối lượng giao dịch trung bình trong thời gian này cao gấp đôi mức trung bình các tháng đầu năm. Vì vậy các nhà đầu cơ ăn theo bán ra cũng không có gì lạ.
Một bất ngờ khác là VHM lao dốc thì VIC lại bật tăng mạnh mẽ 2,73%, VRE tăng 0,81%. VIC vốn hóa nhỏ hơn VHM và mức tăng cũng kém hơn, nhưng chênh lệch không nhiều. Tổng số điểm mất đi ở VHM được bù lại phần lớn nhờ VIC và VRE. Phần còn lại là khả năng “gồng gánh” ở các trụ khác.
VN30-Index cũng tạo đáy cùng thời gian với VN-Index, giảm sâu nhất 0,65% và đến cuối phiên co lại còn -0,16%. Độ rộng nhóm này từ chỗ chỉ có 2 mã tăng/25 mã giảm đã cải thiện với 12 mã tăng/15 mã giảm. Trừ GAS và BCM không có tiến triển, tất cả các cổ phiếu còn lại trong rổ đều phục hồi tích cực so với đáy. Thậm chí VHM cũng hồi lại khoảng 1,29% so với giá thấp nhất.
Một số blue-chips khác có biên độ đảo chiều ấn tượng. FPT từ mức giảm 0,38% đảo ngược thành tăng 0,83%, tương đương hồi phục 1,21% so với đáy. MSN đảo chiều 1,66% thành tăng 0,89% lúc chốt phiên. STB mạnh nhất, đảo chiều 2,02% thành tăng 1%. PLX, POW, TCB, VIB là các mã khác đảo chiều hơn 1% so đáy. Nhờ khả năng phục hồi giá của các blue-chips, VN-Index từ từ leo dốc hướng lên mức tham chiếu và thanh khoản khá tốt. Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE tương đương với sáng hôm qua, đạt 6.804,5 tỷ đồng, trong đó VN30 tăng 27% thanh khoản nhờ giao dịch lớn của VHM. Giao dịch của rổ VN30 đang chiếm xấp xỉ 60% tổng giá trị sàn HoSE, là tỷ trọng rất lớn. Ngoài VHM, VIB, FPT, STB, MWG, TCB, MSN, HPG, VIC cũng là những cổ phiếu thanh khoản cao. Đây cũng là những mã thu hút dòng tiền lớn nhất thị trường sáng nay.
Ngoài nhóm blue-chips, diễn biến đảo chiều cũng khá tích cực trên toàn thị trường. Cụ thể, tại thời điểm VN-Index chạm đáy, độ rộng chỉ có 94 mã tăng/242 mã giảm. Kết phiên độ rộng đã có 150 mã tăng/183 mã giảm. Sự chênh lệch số lượng này chính là các mã hồi giá đủ mạnh để vượt tham chiếu. Trong 150 mã xanh, có 59 mã tăng hơn 1% và 5 mã thanh khoản cao nhất là STB khớp 224,7 tỷ đồng, giá tăng 1%; VIC khớp 178,2 tỷ, giá tăng 2,73%; DXG khớp 176,1 tỷ, giá tăng 1,85%; DIG khớp 142 tỷ, giá tăng 3,95%; PDR khớp 140,7 tỷ, giá tăng 2,87%.
Phía giảm hiện còn 58 mã rơi quá 1% nhưng trừ VHM thì chỉ có MWG và VPB là thanh khoản cao. MWG khớp 214,3 tỷ đồng, giá giảm 1,21% và VPB khớp 140,5 tỷ, giá giảm 1,21%. Duy nhất 7 mã còn lại đạt thanh khoản quá 10 tỷ đồng là BID, GVR, EIB, DGW, HAH, QCG và FRT. Nếu không tính giao dịch của VHM, toàn bộ 57 mã giảm quá 1% chỉ chiếm 9,7% tổng giá trị khớp sàn HoSE.
Nhịp giảm sâu nhất của VN-Index sáng nay đã xuống 1263,26 điểm, tức là thấp hơn một chút so với đáy thấp nhất đầu tháng 10 (1264,65 điểm). Tuy nhiên lực ép chủ yếu đến từ VHM. Khi cổ phiếu này hồi lên và nhiều blue-chips khác góp sức, chỉ số cũng tiến dần về tham chiếu. Đây là những tín hiệu khá tốt, thể hiện dòng tiền lựa chọn bắt đáy quanh vùng đáy ngắn hạn cũ.
Khối ngoại sáng nay cũng bất ngờ bán ròng 56,5 tỷ đồng ở VHM nhưng các mã khác bị bán rất ít. Vị thế ròng trên HoSE vẫn là +4,7 tỷ đồng. Các mã được mua ròng tốt là STB +50,7 tỷ, MSN +26 tỷ, TCB +23,6 tỷ.
Kim Phong