Thị trường điều chỉnh nhẹ, thanh khoản giảm một nửa
Mặc dù độ rộng VN-Index sáng nay thể hiện số lượng cổ phiếu giảm giá áp đảo nhưng biên độ điều chỉnh đều rất nhẹ. Mặt khác thanh khoản sụt giảm cực mạnh trên hai sàn cho thấy áp lực bán không lớn. Thị trường vẫn đang trong giai đoạn hấp thụ nhu cầu chốt lời ngắn hạn.
VN-Index mở cửa tăng khá tốt xấp xỉ 5 điểm nhưng chốt phiên sáng giảm nhẹ 0,68 điểm (-0,05%). Đà trượt giảm thực ra chỉ xuất hiện trong khoảng 1 giờ đầu tiên, đến tầm 10 trở đi đã chuyển trạng thái dao động đi ngang dưới tham chiếu. Dù phần lớn thời gian còn lại này chỉ số đỏ, nhưng biên độ giảm rất ổn định và không tiến triển xấu thêm. Độ rộng sàn HoSE lúc 10h ghi nhận 119 mã tăng/213 mã giảm và kết phiên là 136 mã tăng/235 mã giảm.
Giao dịch cũng diễn ra với tốc độ rất chậm, tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết cả buổi sáng chỉ đạt 5.598 tỷ đồng, giảm 50% so với sáng phiên thứ Sáu tuần trước, đồng thời ở mức thấp nhất 4 phiên trở lại đây. Thanh khoản sụt giảm với trạng thái giằng co biên độ hẹp dưới tham chiếu một mặt thể hiện dòng tiền suy yếu ở vùng giá xanh, nhưng áp lực bán cũng không đủ lớn để tạo sức ép đẩy giá xuống sâu hơn.
Thống kê trên HoSE, trong 235 cổ phiếu giảm giá, chỉ 61 mã giảm quá 1% với thanh khoản chiếm 11,1% tổng giá trị khớp sàn này. Duy nhất MWG đạt giao dịch quá 100 tỷ đồng, đạt 168,1 tỷ với mức giảm giá 1,03%. 12 cổ phiếu còn lại trong nhóm này chỉ có thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên. Điều này phản ánh rõ nét áp lực bán rất nhẹ, chỉ có thể tác động lên rất ít cổ phiếu.
Ngược lại phía tăng cũng vậy, 40/136 mã tăng hơn 1%, chiếm 20,7% giá trị sàn. 3 mã đáng chú ý là MBB tăng 1,01% khớp 299,8 tỷ đồng; TPB tăng 1,32% khớp 135,5 tỷ; DCM tăng 1,19% khớp 129 tỷ; VCG tăng 1,07% khớp 120,5 tỷ. Khoảng chục mã còn lại chủ yếu thanh khoản lẻ tẻ vài chục tỷ đồng.
Như vậy đại đa số cổ phiếu cũng như thanh khoản thị trường sáng nay tập trung ở nhóm biến động hẹp. Với đà tăng tuần trước khá tốt và một phiên cuối tuần thị trường suy yếu dần, nhu cầu chốt lời bảo toàn lợi nhuận ngắn hạn là điều đáng được chờ đợi. Quan trọng là cách thức nhà đầu tư muốn rút khỏi thị trường như thế nào, bán quyết liệt, xả khối lượng lớn để giải phóng danh mục hay chọn giá bán tốt nhất và cơ cấu lại danh mục từng phần. Diễn biến dao động hẹp cho thấy nhà đầu tư đang giao dịch cân bằng và bình tĩnh.
Một trong những yếu tố giúp giao dịch ổn định sáng nay là không có sức ép rõ rệt nào ở nhóm cổ phiếu trụ. Điểm số mất ít là một chất xúc tác về tâm lý. VN30-Index cũng chỉ đang giảm không đáng kể 0,06% với độ rộng không chênh lệch nhiều: 12 mã tăng/17 mã giảm. Ở nhóm vốn hóa lớn nhất, VCB tăng 0,88%, GAS tăng 0,14%, HPG tăng 0,58%, VIC tăng 1,18%, VNM tăng 0,14% cân bằng tốt với BID giảm 0,2%, FPT giảm 0,37%, CTG giảm 0,42%, VHM giảm 0,69% và TCB giảm 0,42%. Chừng nào các trụ vẫn duy trì được khả năng bù đắp về điểm số thì VN-Index sẽ vẫn đi ngang.
Hiện tại sức ép ở nhóm blue-chips cũng không cho thấy có nhu cầu bán lớn: Thanh khoản rổ VN30 giảm tới 60% so với sáng hôm thứ Sáu, chỉ đạt 2.648,9 tỷ đồng. Tuần trước nếu trừ phiên cuối tuần có giao dịch ETF đột biến, trung bình 4 phiên đầu tuần cũng chỉ gần 2.700 tỷ đồng. Nói cách khác, nhóm blue-chips đang trong trạng thái cân bằng cung cầu ở mức thấp. Diễn biến này phù hợp với trạng thái chung của thị trường khi bên mua chờ đợi giá thấp hơn còn bên bán cũng không sẵn lòng xả hàng quy mô lớn.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng giảm cường độ giao dịch đáng kể khi chỉ còn bán ra 518 tỷ đồng trên HoSE và mua vào 499,1 tỷ, tương ứng bán ròng nhẹ 18,9 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND được mua ròng tốt nhất hơn 70 tỷ, ngoài ra là HCM +25,6 tỷ, FPT +23,6 tỷ, MWG +21,5 tỷ, VPB +20,8 tỷ. Phía bán có SSI -34,2 tỷ, HPG -26,6 tỷ, VRE -20,3 tỷ.
Kim Phong