1. Chứng khoán

Thị trường chứng khoán sẽ có diễn biến giằng co thời gian tới để thăm dò cung cầu

Chứng khoán tuần 30/9 - 4/10, sau tuần giao dịch tăng điểm trước đó, thị trường mở cửa phiên thứ hai tuần này trong sắc đỏ và có hai phiên VN-Index tiếp tục kiểm định vùng 1.300 điểm.

Tuy nhiên việc kiểm định không thành công dẫn đến 2 phiên giảm điểm cuối tuần và VN-Index kết tuần giảm -20,32 điểm (-1,57%) xuống mốc 1.270,60 điểm. HNX-Index kết tuần tại mốc 232,67 điểm (-3,04 điểm, tương ứng -1,29%).

Độ rộng thị trường phiên cuối tuần nghiêng về bên bán với 216 cổ phiếu giảm giá, 94 cổ phiếu tăng giá, 50 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE. HNX giao dịch với 60 cổ phiếu tăng giá, 59 cổ phiếu tham chiếu và 84 cổ phiếu giảm giá. Thanh khoản trên cả 2 sàn tuần này tăng so với tuần giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh +11,70% tại HOSE và +20,78% tại HNX.

Khối ngoại tuần này tiếp tục đà mua ròng với +445,79 tỷ đồng tại HOSE tập trung tại mã TCB (+732,20 tỷ), FPT (+379,23 tỷ), MWG (+181,33 tỷ) và PNJ (+166,34 tỷ)...ở chiều ngược lại, bán ròng HPG(-306 tỷ), HDB (-241,52 tỷ)...

Cùng với đó, bán ròng tuần này từ khối ngoại cũng diễn ra trên sàn HNX với -295,12 tỷ đồng, tập trung tại các mã BVS (-70,36 tỷ), IDC (-66,71 tỷ) và SHS (-63,07 tỷ), chiều mua ròng nổi bật với NTP (+7,75 tỷ), MBS (+4,57 tỷ), VTZ (+3,02 tỷ)...

Nhóm ngành tích cực nhất góp phần cho sự điểm số của thị trường tuần này là ngân hàng với các mã VPB (+1,27%), OCB (+6,22%), SSB (+2,94%), TPB (+2,07%), EIB (+0,54%)... Ngoài nhóm ngân hàng, một số nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến ấn tượng như thép, tiêu biểu với HPG (+0,58%), HSG (+0,48%), TLH (+1,28%)...

Nhóm chứng khoán giao dịch trong sắc xanh với ORS (+11,24%), BSI (+4,27%), DSE (+3,18%), VCI (+0,97%)...Nhóm cổ phiếu dầu khí giao dịch tích cực với PLX (+0,33%), PVD (+1,65%), PGD (+4,40%) ảnh hưởng bởi tin tức về xung đột khu vực Trung Đông tuần vừa qua...

Ghi nhận trong tuần này, một số ngành khác chứng kiến nhiều mã giảm điểm như nhóm cổ phiếu Vingroup với VHM (-4,38%), VIC (-3,53%), VRE (-5,67%). Nhóm ngành thực phẩm và đồ uống giao dịch trong sắc đỏ với VNM (-3,52%), SAB (-3,25%), MSN (-0,40%)... Đa số cổ phiếu ngành bất động sản dân cư có một tuần giao dịch kém tích cực, cụ thể là PDR (-8,77%), KDH (-3,85%), NVL (-6,06%), DXG (-8,16%)...

Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Thị trường sẽ có diễn biến giằng co thời gian tới để thăm dò cung cầu

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Thị trường tiếp tục đà giảm điểm từ phiên trước và dần lùi về đường MA(20), vùng 1.270 điểm. Thanh khoản giảm so với phiên trước, cho thấy dòng tiền hỗ trợ có động thái thận trọng trước sức ép của nguồn cung.

Hiện tại, thị trường chưa có tín hiệu hỗ trợ cụ thể nhưng dự kiến vùng 1.260 – 1.270 điểm, vùng hội tụ của các đường MA(20), MA(50), MA(100) và MA(150), sẽ giúp kìm hãm đà giảm của thị trường. Có khả năng thị trường sẽ có diễn biến giằng co trong thời gian gần tới để thăm dò cung cầu.

Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng hỗ trợ để đánh giá trạng thái thị trường. Tạm thời vẫn cần giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý và cân nhắc đợt hồi phục để cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.

VN-Index có cơ hội hồi phục khi xu hướng tăng điểm ngắn hạn được bảo toàn

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Độ rộng thị trường phần lớn nghiêng về các mã giảm điểm, tuy nhiên chỉ số mất lực đỡ chủ yếu đến các cổ phiếu vốn hóa lớn và lượng cung không có dấu hiệu khớp sâu xuống vùng giá dưới.

Mặc dù áp lực rung lắc nhiều khả năng còn tiếp diễn khi phe bán đang chiếm ưu thế, VN-Index có cơ hội cho phản ứng hồi phục tại quanh các vùng hỗ trợ khi xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn vẫn đang được bảo toàn.

Ngoài vị thế nắm giữ theo xu hướng, nhà đầu tư có thể kết hợp trải mua thêm 1 phần tỷ trọng trading gối đầu khi chỉ số hoặc các mã cổ phiếu mục tiêu điều chỉnh về lại các vùng hỗ trợ gần.

Hệ số P/E của VN-Index đang ở mức 15,6x

Chứng khoán Mirae Asset

Chúng tôi nhận thấy tâm lý lo ngại đã xuất hiện ở bên mua khi hạn chế đặt mua với mức giá cao, ngược lại bên bán lại bắt đầu tỏ ra thiếu kiên nhẫn trong giai đoạn cuối phiên.

Diễn biến tranh thủ thoát hàng vào cuối phiên của bên bán đã khiến nhiều cổ phiếu bluechip nhóm VN30 đã chốt phiên mức thấp nhất trong ngày cùng với chỉ số. Tâm lý lo ngại căng thẳng tại Trung đông có thể leo thang có lẽ đang khiến nhà đầu tư tỏ ra thận trọng và lưỡng lự.

Mốc 1.270 là ngưỡng hỗ trợ và chúng tôi cho rằng nên chậm rãi quan sát phản ứng của thị trường tại mốc này thông qua yếu tố thanh khoản, điểm số kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index ở mức - 2 (trung tính). Hệ số P/E của VN-Index đang ở mức 15,6x.

Dòng tiền vẫn chịu sức ép rút ròng

Chứng khoán Asean

Điểm tích cực đáng chú ý là xu hướng tăng vẫn được duy trì khi chỉ số chung ở trên kênh giá ngắn hạn. Bên cạnh đó, tín hiệu mua ròng của khối ngoại và tự doanh phần nào cho thấy tâm lý kì vọng về xu hướng tăng này sẽ được giữ vững và chỉ số có thể sớm cân bằng trở lại vượt thoát áp lực từ phe bán.

Tuy nhiên, lực xu hướng đang ở mức yếu và quá trình rũ bỏ áp lực chưa cho thấy tín hiệu yếu đi của phe bán. Các chỉ báo kỹ thuật vẫn chưa thể hiện tích cực trở lại sau giai đoạn phân kì âm diễn ra ở các chỉ báo động lượng RSI, MACD và dòng tiền vẫn chịu sức ép rút ròng.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Bảo Châu

Tin khác