1. Chứng khoán

Thị trường chứng khoán: Niềm tin là yếu tố quan trọng trong bối cảnh hiện nay

Điểm số đi xuống cùng thanh khoản thấp

Thị trường chứng khoán Việt Nam khá dễ dàng để mất mốc 1.000 điểm ngay trong phiên đầu tuần (24/10) sau khi thị trường chuyển biến tiêu cực nhanh chóng trong phiên cuối tuần kế trước. Việc thị trường chứng khoán trong nước giảm mạnh bất chấp nhịp hồi tốt gần 2 tuần của chứng khoán quốc tế, cũng như thông tin kết quả kinh doanh quý III tích cực,… khiến tâm lý nhà đầu tư đang ở mức thấp.

Chỉ số VN-Index để mất ngưỡng tâm lý 1.000 điểm, với 2 phiên giảm liên tiếp. Trong 2 tháng trở lại đây, thị trường chỉ có vẻn vẹn 1 tuần tăng điểm, đáng chú ý là trong 3 tuần giảm gần nhất thì mức giảm khá mạnh, từ 4% đến 8,5%. Các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật liên tục bị xuyên thủng, các cổ phiếu bị bán rất quyết liệt bất chấp là nhóm đầu cơ hay cơ bản, cổ phiếu bắt đáy có lãi hay lỗ…

Bên cạnh điểm số, thanh khoản của thị trường cũng không tăng dù sự biến động về giá là rất lớn. Trao đổi với phóng viên TBTCVN, một chuyên gia cho rằng, thanh khoản toàn thị trường đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm, còn 13.162 tỷ đồng kể từ đầu tháng 10. So với hồi đầu năm, thanh khoản hiện nay đã giảm 2,5 lần và chỉ bằng 1/3 so với mức đỉnh. “Điều kiện tài chính trở nên eo hẹp trên toàn cầu khi các ngân hàng trung ương đồng loạt nâng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ là nguyên nhân chính khiến thanh khoản trên kênh đầu tư rủi ro như cổ phiếu giảm đi nhanh chóng” - chuyên gia này lý giải.

Diễn biến của chỉ số VN-Index. Nguồn: MBS

Cũng theo chuyên gia này, với thị trường chứng khoán trong nước, dòng tiền đang co lại khá mạnh, một phần do các đợt bắt đáy không thành công khiến nhà đầu tư bị đọng vốn. Bên cạnh đó, “kênh chứng khoán cũng đang phải cạnh tranh với các kênh khác như lãi suất tiết kiệm tăng và trở nên hấp dẫn, có thể 1 lượng tiền đã bị hút vào các đợt phát hành trái phiếu, hoặc mua lại trái phiếu trước hạn…, hoặc có thể tiền đang trở lại sản xuất kinh doanh" - chuyên gia này cho hay.

Trên thực tế, tâm lý thận trọng bao trùm là điều rất dễ cảm nhận trên thị trường trong bối cảnh tác động của nhiều thông tin tiêu cực. Theo các chuyên gia, mặc dù diễn biến thị trường chuyển biến sang trạng thái tiêu cực rất nhanh, nhưng cũng khá dễ lý giải khi phân tích vào các tác động của chính sách tiền tệ lên thị trường chứng khoán. Thông thường, những tác động về việc tăng lãi suất không chỉ làm “chia lửa” dòng tiền, mà còn rất có thể để lại những ảnh hưởng dài hạn lên nền kinh tế và đặc biệt là sức khỏe của doanh nghiệp trong tương lai.

Chờ yếu tố rủi ro được chiết khấu thêm và niềm tin trở lại

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng: “Thị trường luôn đúng” là điều không thể phủ nhận. Vì vậy mà mọi dự báo đều chỉ là để tham khảo. Thực tế cho thấy, VN-Index đã giảm dưới ngưỡng 1.000 điểm trong phiên 24/10 và đã có những tín hiệu giao dịch tích cực hơn trong phiên ngày 25/10, nhiều cổ phiếu hồi phục trở lại và thị trường có phiên tăng điểm với diễn biến giao dịch cân bằng hơn. Thực tế này còn cho thấy rằng, việc tìm được vùng cân bằng mới được quyết định bởi yếu tố cung cầu và việc chỉ số VN-Index giảm dưới 1.000 điểm cũng được coi là yếu tố thu hút sự quan tâm của dòng tiền đầu cơ trong ngắn hạn.

VN-Index có phiên lội ngược dòng thành công

Thị trường chứng khoán vẫn chịu áp lực điều chỉnh, nhưng đã lội ngược dòng thành công trong phiên 25/10. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index vẫn chưa thể lấy lại mốc 1.000 điểm. Thanh khoản như ở phiên hôm nay đã là tích cực trong bối cảnh liên tiếp 3 tuần ở dưới ngưỡng khớp lệnh 10.000 tỷ đồng. Tuy vậy, vẫn cần thanh khoản mạnh hơn nữa để thị trường lấy lại ngưỡng 1.000 điểm vững chắc hơn, qua đó lôi kéo dòng tiền quay trở lại. Về kỹ thuật, chỉ với 1 phiên tăng thì xu hướng giảm của thị trường vẫn chưa thay đổi, nhà đầu tư nên quan sát các cổ phiếu đóng cửa ở mức giá trần hoặc gần mức giá trần hôm nay ở các phiên tiếp theo.

Cũng theo lãnh đạo của CSI, yếu tố niềm tin trong bối cảnh thị trường hiện nay là rất quan trọng; đồng thời biến động dòng tiền trong nền kinh tế sẽ mang tính quyết định tới sự hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. “Nhà đầu tư trên thị trường đang kỳ vọng vào chính sách điều hành vĩ mô linh hoạt, công khai, minh bạch hơn nữa, nhằm tránh tác động không đáng có của tin đồn, suy diễn thiếu căn cứ và từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chung” - chuyên gia này chia sẻ.

Về yếu tố dòng tiền, ông Đỗ Bảo Ngọc phân tích, mặc dù thị trường đã có những điều chỉnh mạnh khiến mặt bằng giá đang ở mức rất hấp dẫn. Tuy nhiên, rủi ro phía trước vẫn còn lớn và cần thêm thời gian để chiết khấu thêm. Theo chuyên gia này, chỉ khi nào thanh khoản hệ thống tài chính ổn định trở lại, căng thẳng giảm bớt, lãi suất liên ngân hàng dịu bớt và quá trình kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước có tín hiệu nới lỏng hơn, thì thị trường chứng khoán sẽ là điểm đến của dòng tiền trong nền kinh tế khi đã về vùng định giá hấp dẫn để đầu tư trung và dài hạn.

Duy Thái

Tin khác