Thị trường tài chính 24h: Nhiều cổ phiếu rẻ, nhưng chưa hẳn đã hấp dẫn
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 26/10 tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,40 – 67,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 3,4 USD lên mức 1.653,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng tiếp lên trên 1.670 USD, nhưng đã hạ nhiệt và để mất mốc này vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 110,32 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 26/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.698 đồng/USD, giảm 5 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.602 – 24.882 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng vọt lên ngưỡng tâm lý 20.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục nhích lên và vượt 20.600 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,30 USD (+0,35%), lên 85,62 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,18 USD (+0,19%), lên 93,70 USD/thùng.
VN-Index giảm nhẹ, thanh khoản mất hút
Thị trường quay đầu điều chỉnh khá nhanh do lực cầu tỏ ra dè dặt, trong khi bên bán không muốn giữ hàng quá lâu, VN-Index theo đó về dưới 990 điểm.
Bước sang phiên chiều, lực bán gia tăng kéo VN-Index lùi sâu về 985 điểm. Tuy nhiên, với sự khởi sắc của MSN, VN-Index đã 2 lần đứng vững khi về test ngưỡng này, sau đó đã thu hẹp đà tăng, lên trên ngưỡng 990 điểm, nhưng thanh khoản sụt giảm mạnh trở lại và độ rộng vẫn tiêu cực và không ít mã nằm sàn.
Nhóm bất động sản, xây dựng bị bán mạnh nhất, với KBC, DXG, DIG, NVT, NHA, HBC, DXS, TDH, HQC, HDG, LDG, FCN, LGL đều giảm sàn.
Ngoài các mã bất động sản trên, VND cũng có thêm phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp khi lực cung quá mạnh, nên dù lực cầu hoạt động tốt cũng không đủ sức cứu.
Không chỉ VND, nhóm chứng khoán còn có thêm nhiều mã khác cũng bị kéo về mức sàn chiều nay như APG, FTS, BSI, CTS.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3,57 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 36,84 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 26/10: VN-Index giảm 4,34 điểm (-0,44%), xuống 993,36 điểm; HNX-Idnex giảm 2,07 điểm (-1%), xuống 205,95 điểm; UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,53%), xuống 75,85 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng tích cực trong phiên ngày thứ Ba (25/10), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, trong bối cảnh ngày càng nhiều người đặt cược vào việc Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất do có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang hạ nhiệt.
Giá nhà tại Mỹ giảm 1,3% tại 20 thành phố lớn trong tháng 8, trong khi niềm tin của người tiêu dùng giảm trong tháng 10 do hoạt động kinh doanh của Mỹ suy yếu. Những yếu tố này cho thấy chính sách tăng lãi suất Fed nhằm kiềm chế lạm phát đang bắt đầu phát huy tác dụng và kỳ vọng về việc Fed sẽ bớt diều hâu đã xuất hiện nhiều hơn.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hạ nhiệt đã góp phần vào đà tăng của các chỉ số chính, với kỳ hạn 10 năm giảm 0,15% xuống còn 4,087% và kỳ hạn 2 năm lùi về 4,473%.
Kết thúc phiên 25/10, chỉ số Dow Jones tăng 337,12 điểm (+1,07%), lên 31.836,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 61,77 điểm (+1,63%), lên 3.859,11 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 246,5 điểm (+2,25%), lên 11.199,12 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng phiên thứ ba liên tiếp, mặc dù mức tăng bị chặn lại trong phiên chiều, do các chỉ số tương lai của Mỹ trượt dốc, khi các nhà đầu tư thận trọng trước báo cáo kết quả kinh doanh thấp bất ngờ từ các công ty công nghệ khổng lồ Alphabet và Microsoft.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,67% lên 27.431,84 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,58% lên 1.918,21 điểm.
Ryuta Otsuka, chiến lược gia tại Toyo Securities, cho biết: “Chỉ số Nikkei 225 đã liên tục tăng và dường như có rất nhiều người muốn chốt lời”.
Trong khi chỉ số bán dẫn Philadelphia tăng 2,26% qua đêm, hợp đồng tương lai của Nasdaq e-mini giảm 1,96%, sau khi báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua của Microsoft Corp và Alphabet thấp hơn kỳ vọng của Phố Wall.
Kết quả mờ nhạt này cũng đẩy hợp đồng tương lai của S&P 500 e-mini giảm gần 1%, cho thấy các nhà giao dịch kỳ vọng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ mở cửa trong vùng tiêu cực vào đêm nay.
Chứng khoán Trung Quốc đã có một khởi đầu mạnh mẽ do hy vọng rằng Fed có thể làm chậm các đợt tăng lãi suất, nhưng sự lạc quan đã bị chặn lại một phần bởi các đợt phong tỏa mới chống Covid-19 ở một số khu vực của Trung Quốc.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,78% lên 2.999,5 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,81% lên 3.656,90 điểm.
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á tăng với hy vọng rằng tốc độ tăng lãi suất toàn cầu sẽ sớm bắt đầu chậm lại.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, tình hình dịch Covid-19 lại trở nên phức tạp, sau khi Công viên giải trí Universal Resort ở Bắc Kinh tạm thời đóng cửa vì các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Bên cạnh đó, một số khu vực nhất định ở một số thành phố lớn của Trung Quốc bao gồm Thượng Hải và Vũ Hán, được báo cáo là đang trong tình trạng phong tỏa một phần mới.
Tập đoàn công nghệ Foxconn xác nhận rằng nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của họ ở thành phố Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc, đang đối phó với một đợt bùng phát Covid-19 nhỏ, nhưng cho biết hoạt động sản xuất vẫn "tương đối ổn định", South China Morning Post đưa tin.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ có phiên tăng mạnh trở lại.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1% lên 15.317,67 điểm, kết thúc chuỗi 5 ngày giảm liên tiếp. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,72% lên 5.217,54 điểm.
Chỉ số phụ theo dõi ngành công nghệ tăng ngày thứ hai sau đợt bán tháo dữ dội vào thứ Hai, tăng 2,5%. Trong đó, cổ phiếu của gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan tăng 5%, trong khi Tencent tăng 2,5%.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, dẫn đầu bởi cổ phiếu các nhà sản xuất chip và nhà pin, trong bối cảnh kỳ vọng gia tăng về việc Fed sẽ giảm tốc trong việc thắt chặt tiền tệ.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 14,47 điểm, tương đương 0,65% lên 2.249,56 điểm.
Cổ phiếu các nhà sản xuất chip đã mở rộng mức tăng trong phiên thứ tư liên tiếp với Samsung Electronics tăng 2,95%, đạt mức cao nhất kể từ ngày 31/8, một ngày trước khi công bố kết quả kinh doanh quý III.
Cổ phiếu của công ty giải pháp năng lượng của LG tăng 3,52% khi nhà sản xuất pin tăng dự báo doanh thu lên 14%, sau khi lợi nhuận quý III đánh bại ước tính nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà sản xuất ô tô và đồng nội tệ yếu, cổ phiếu công ty ngang hàng Samsung SDI tăng 3,36%.
Kết thúc phiên 26/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 181,56 điểm (+0,67%), lên 27.431,84 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 23,22 điểm (+0,78%), lên 2.999,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 152,08 điểm (+1,00%), lên 15.317,67 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 14,49 điểm (+0,65%), lên 2.249,56 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Giảm áp lực lên lãi suất, lạm phát
Theo các chuyên gia, nới biên độ tỷ giá là quyết định hợp lý trong bối cảnh hiện nay, dù VND có thể chịu áp lực mất giá thêm..>> Chi tiết
- Nhận diện những nhóm cổ phiếu hấp dẫn
Hệ số P/E, P/B của chỉ số VN-Index được cho là về vùng đáy cuối tháng 3/2020, nhiều cổ phiếu còn có định giá thấp hơn..>> Chi tiết
- Bộ trưởng Bộ Tài chính: Trái phiếu doanh nghiệp là thị trường tiềm năng
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trái phiếu doanh nghiệp là thị trường tiềm năng; các khuôn khổ pháp lý đang được hoàn thiện, cùng sự giám sát chặt chẽ của Bộ Tài chính để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư..>> Chi tiết
- Nghịch lý giữa "cơn khát" năng lượng, tàu chở LNG kẹt cứng ngoài biển châu Âu
Có đến 60 tàu chở LNG phải lênh đênh hoặc chạy lòng vòng quanh vùng biển phía Tây Bắc châu Âu, Địa Trung Hải và Bán đảo Iberia, theo Công ty phân tích thông tin hàng hải MarineTraffic..>> Chi tiết
Thạch Bắc tổng hợp