Thị trường chứng khoán Mỹ 'giảm nhiệt', giá dầu đi xuống
Kết thúc phiên 20/11, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 139,53 điểm (+0,32%) lên 43.408,47 điểm, S&P 500 nhích 0,13 điểm (+0,00%) lên 5.917,11 điểm và Nasdaq Composite mất 21,32 điểm (-0,11%) xuống 18.966,14 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm ngay từ đầu phiên sau khi có báo cáo rằng Ukraine đã sử dụng tên lửa tầm xa Storm Shadow để tấn công lãnh thổ Nga. Trước đó, Ukraine cũng đã phóng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất và Nga tức giận cảnh báo về khả năng trả đũa bằng vũ khí hạt nhân.
Chỉ số đo lường nỗi lo ngại của Phố Wall đã tăng vọt lên mức 18,79 trước khi hạ xuống 17,24 điểm, nhưng vẫn đạt mức cao nhất kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11.
"Thị trường hôm nay có xu hướng phòng thủ hơn sau đợt tăng mạnh của các cổ phiếu công nghệ. Nhà đầu tư đang giữ quan điểm thận trọng trước báo cáo thu nhập của Nvidia hoặc đang phản ứng với kết quả kinh doanh yếu kém từ Target, vốn được coi là một chỉ báo tiêu dùng quan trọng. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine, cùng việc Mỹ sơ tán đại sứ quán, cũng góp phần gây ra nhiều biến động”, ông James Regan, Giám đốc Nghiên cứu Quản lý Tài sản tại D.A. Davidson nhận định.
Cổ phiếu của Nvidia giảm 0,76% trong phiên giao dịch chính trước khi tiếp tục giảm sau giờ đóng cửa. Dự báo doanh thu quý 4 của công ty chỉ nhỉnh hơn mức ước tính nhưng không đáp ứng kỳ vọng cao của một số nhà đầu tư.
Nvidia đã kéo chỉ số Công nghệ Thông tin giảm 0,23% và ảnh hưởng đến Nasdaq, khiến chỉ số này trượt 0,11%.
Trong khi đó, cổ phiếu Target cũng giảm sâu 21,4% do dự báo doanh thu và lợi nhuận trong mùa lễ hội thấp hơn kỳ vọng của Phố Wall, kèm theo đó là kết quả kinh doanh quý 3 không đạt chỉ tiêu.
Chỉ số tiêu dùng tùy ý (-0,57%) là lĩnh vực sụt giảm mạnh nhất trong 11 nhóm ngành thuộc S&P 500. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như Tesla và Amazon.com cũng lần lượt mất 1,15% và 0,85%.
Cổ phiếu liên quan đến tiền điện tử tiếp đà tăng khi Bitcoin vượt mốc 94.000 USD, với MicroStrategy tăng 10% và MARA Holdings leo 13,9%.
Về khía cạnh kinh tế, thị trường đang ngày càng chắc chắn hơn vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 12, sau khi có thêm nhiều dữ liệu cho thấy nền kinh tế hoạt động mạnh mẽ và lạm phát vẫn dai dẳng.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 13,20 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 14,32 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
GIÁ DẦU GIẢM
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã trượt giảm vào thứ Tư khi lượng dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ tăng mạnh hơn dự báo trong tuần trước. Tuy nhiên, lo ngại về xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine, hai quốc gia sản xuất dầu lớn, đã phần nào hạn chế đà giảm.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 50 cent, tương đương 0,68%, xuống còn 72,81 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 52 cent, tương đương 0,75%, xuống 68,87 USD/thùng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu thô và xăng tăng mạnh đã gây áp lực lên giá. Ngoài ra, Equinor của Na Uy thông báo khôi phục toàn bộ công suất tại mỏ dầu Johan Sverdrup ở Biển Bắc sau sự cố mất điện, làm gia tăng nguồn cung.
Nhu cầu yếu từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến giá, khi các biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh vẫn là chưa đủ để thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ dầu trong ngắn hạn, theo ghi chú từ các chiến lược gia năng lượng tại Macquarie.
Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine cùng những lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu trong tương lai đã giúp giữ cho giá dầu không giảm sâu hơn.
Kim Nguyễn