Thị trường chứng khoán chờ 'sóng' cuối năm
Yếu tố đầu tiên tác động đến diễn biến thị trường quý IV đó là mùa báo kết quả kinh doanh quý III đang đến.
Trong báo cáo gần đây, FiinGroup - công ty chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích tài chính nhận định, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục khả quan trong quý III/2024 nhờ nền so sánh là mức đáy trong 6 quý trở lại đây được thiết lập trong quý III/2023.
Theo quan sát của FiinGroup, với cầu tiêu dùng dự kiến sẽ hồi phục mạnh hơn và biên lợi nhuận duy trì mở rộng (nhờ kiểm soát tốt chi phí đầu vào), triển vọng tăng trưởng trong quý III và quý IV/2024 khá tích cực với hầu hết các ngành. Yếu tố lợi nhuận quý III tiếp tục hồi phục mạnh là cơ hội để tích lũy cổ phiếu tăng trưởng tốt.
Trong báo cáo vừa công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) dự báo lợi nhuận toàn thị trường trong quý III/2024 có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt mức tăng 19,5% so với cùng kỳ nhờ sự hỗ trợ của môi trường lãi suất thấp, tỷ giá giảm mạnh, sản xuất và tiêu dùng trên đà phục hồi.
Lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 16,5% so với cùng kỳ (quý II tăng 19,5%).
Các ngành được dự báo có thể tăng trưởng lợi nhuận nổi bật gồm bán lẻ (tăng 381% so với cùng kỳ), năng lượng (tăng 321%), bất động sản khu công nghiệp (tăng 169%) từ nền thấp cùng kỳ.
Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (VNDirect), ông Đinh Quang Hinh chia sẻ: “Tôi duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm và kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay là hoàn toàn khả thi nhờ chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạn thị trường”.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, những yếu tố tác động tích cực đến thị trường những tháng cuối năm trước tiên là việc gỡ “nút thắt” cho thị trường hiện tại, giải pháp ngắn hạn vẫn là bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và nâng hạng thị trường.
Một yếu tố quan trọng thu hút ròng tiền ngoại trở lại đó là việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức công bố thông tin về Thông tư 68/2024/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 18/9/2024; trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 2/11.
Cụ thể, từ 2/11 tới, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được đặt lệnh mua cổ phiếu không yêu cầu đủ tiền. Trường hợp không thanh toán đủ tiền mua cổ phiếu, nghĩa vụ thanh toán được chuyển cho công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đặt lệnh.
Quy định này được cho là bước tiến rất quan trọng để gỡ “nút thắt” đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi thứ cấp theo tiêu chí của tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell.
Tiếp đến, động lực của thị trường còn đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giảm lãi suất 50 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 17 – 18/9 vừa qua.
Điều này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước có điều kiện nới lỏng chính sách tiền tệ. Cùng với những thiệt hại mới được ghi nhận từ thiên tai, có khả năng Chính phủ sẽ tung thêm nhiều gói hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tốt hơn.
Bên cạnh đó, 3 nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất hiện nay là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản diễn biến tích cực tạo ra động lực cho thị trường chung.
Đối với ngân hàng và chứng khoán, sự tăng trưởng năm nay vẫn tốt, định giá vẫn thấp và môi trường lãi suất sắp tới và tỷ giá hạ nhiệt thì khả năng cao hai nhóm này sẽ hưởng lợi trực tiếp và dẫn dắt thị trường những tháng cuối năm.
Với nhóm cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản dù vẫn mang tính đầu cơ, “sắc tối” chiếm chủ đạo, nhưng ít nhất thị trường đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Với việc mặt bằng lãi suất được giữ ở mức thấp, nhóm bất động sản sẽ có cửa sáng rõ hơn, đặc biệt là giai đoạn mất thanh khoản của nhóm này cũng đã qua đi.
Ông Minh còn cho rằng, trong nền kinh tế hồi phục, nhu cầu tiêu dùng sẽ quay trở lại, khi đó những doanh nghiệp gia công sản xuất sẽ là nhóm hưởng lợi đầu tiên. Hiện các phân xưởng sản xuất trên toàn cầu gồm có Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ là trung tâm sản xuất, nguồn cung ứng chính.
Vị chuyên gia đến từ Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, từ nay đến giữa quý IV là giai đoạn đi lên của thị trường, dù giai đoạn này vẫn “lình xình” đi ngang, nhưng có thể sẽ có một đoạn thị trường tăng mạnh. VN-Index sẽ vượt 1.300 điểm, thậm chí tiệm cận vùng 1.350 điểm. Nếu VN-Index vượt 1.300 điểm sẽ “kích thích” sự hưng phấn, giúp dòng tiền quay lại thị trường mạnh hơn.
Thứ hai là từ giữa tháng 11 đến tháng 12, thị trường sẽ trở nên khó khăn hơn, vì con số quý IV/2024 có thể tăng trưởng chậm lại so với mức nền cao từ quý IV/2023. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có kết quả cũng có thể khiến thị trường chậm lại.
Thực tế cho thấy, mặc dù thị trường vẫn đang gặp khó tại vùng cản mạnh 1.300 điểm, nhưng những nhận định lạc quan về thị trường chứng khoán trong dài hạn đang chiếm phần đông.
Theo ông Petri Deryng - Giám đốc quỹ đầu tư Phần Lan Pyn Elite Fund, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 18 tháng đầy thách thức. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đang bắt đầu tăng tốc trở lại.
Ông Petri Deryng chỉ ra rằng, những yếu tố không chắc chắn đang dần được thay thế bằng những kỳ vọng tích cực về tăng trưởng lợi nhuận trong những năm tới. Đồng thời, các chính sách tiền tệ trên toàn thế giới cũng đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Trong một báo cáo vừa được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố về kết quả khảo sát mới đây với cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, 85,7% số doanh nghiệp và chuyên gia ngành tài chính được hỏi đã lựa chọn triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam là cơ hội lớn nhất cho sự tăng trưởng của thị trường tài chính năm 2024.
Thực tế cho thấy, những dấu hiệu tích cực với thị trường chứng khoán đã trở lại, đã xuất hiện thêm nhiều phiên mua ròng mạnh của khối ngoại từ cuối tháng 9 và những phiên giao dịch tỷ USD.
Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay, khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định đòi hỏi dòng vốn dồi dào và thông suốt, thị trường chứng khoán tiếp tục là kênh dẫn truyền vốn quan trọng trên thị trường. Theo Bộ Tài chính, số lượng tài khoản của các nhà đầu tư trên thị trường tính đến hết tháng 8/2024 đã đạt hơn 8,6 triệu tài khoản, tăng 19,4% so với cuối năm 2023. Dẫu vậy, số lượng tài khoản hiện tương đương 8,6% dân số đang thấp hơn nhiều tỷ lệ khoảng 25% của các thị trường phát triển.
Ngoài ra, một người có thể sở hữu nhiều tài khoản tại các công ty chứng khoán khác nhau, do đó, kỳ vọng tăng số lượng nhà đầu tư lên 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030 là hoàn toàn có thể đạt được.
Sự gia tăng đều đặn của số lượng tài khoản nhà đầu tư mới tham gia thị trường là dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì sức hấp dẫn, ông Vinh cho hay.
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt cho rằng, VN-Index lại quay đầu hồi phục và tiến đến vùng 1.300 lần thứ 5 kể từ đầu năm 2024, nhưng sau đó, áp lực bán lại xuất hiện và vẫn đang nằm trong xu hướng đi ngang với vùng hỗ trợ là 1.170 điểm và kháng cự mạnh 1.300 điểm
Chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn đang neo ở vùng đỉnh và chỉ số chứng khoán Trung Quốc hồi phục 20% từ đáy sau khi Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế, cùng với sự tăng giá và những câu chuyện của nhóm ngân hàng giúp VN-Index có xác suất có thể vượt được vùng cản cứng 1.300 điểm, tuy nhiên sẽ có rung lắc mạnh quanh vùng này, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt nhận định.
Văn Giáp (TTXVN)