1. Tài chính

Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam triển vọng tích cực giai đoạn cuối năm 2024

9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường đạt 17.998 tỷ đồng. Trong đó, dẫn đầu là Bảo Việt Nhân Thọ, Prudential, Dai-ichi Life, Manulife, FWD…

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong quý 3/2024, doanh thu khai thác mới khối bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đạt hơn 5.934 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 (5.874 tỷ đồng). Mặc dù mức tăng của quý 3 còn khiêm tốn nhưng đây được xem là tín hiệu tích cực cho thị trường tài chính - bảo hiểm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.

Thị trường tài chính - bảo hiểm đang có nhiều dấu hiệu tích cực. (Ảnh: CTV)

Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV, Chỉ số tăng trưởng dương trong quý 3 cho thấy niềm tin, sự lạc quan đã dần quay lại với thị trường bảo hiểm nhân thọ, dù còn nhiều khó khăn phía trước để giữ vững đà tăng này. Kết quả này cũng có được nhờ các doanh nghiệp đã liên tục triển khai các hoạt động hướng về khách hàng, như đơn giản hóa quy trình, giới thiệu các sản phẩm đa dạng phù hợp với các phân khúc khác nhau, nâng cao quyền lợi bảo vệ, chăm sóc khách hàng… Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và người tiêu dùng vẫn đang thận trọng trong chi tiêu, các doanh nghiệp bảo hiểm phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao trải nghiệm khách hàng ở mọi điểm chạm, hướng đến những kết quả tốt hơn nữa trong quý 4/2024 và những năm kế tiếp.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường đạt 17.998 tỷ đồng. Trong đó, dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Bảo Việt Nhân thọ với 2.927 tỷ đồng, Prudential với 2.785 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 2.772 tỷ đồng, Manulife với 1.889 tỷ đồng và FWD với 1.120 tỷ đồng.

Dù quý 3/2024 tăng trưởng dương, song cộng với mức giảm từ 2 quý trước đó nên tính chung doanh thu phí 3 quý đầu năm vẫn giảm. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt là 106.504 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 56,4%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 16,3%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 12,7%; sản phẩm bán kèm chiếm tỷ trọng 12,4%. Các sản phẩm bảo hiểm còn lại (sản phẩm bảo hiểm trọn đời, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ, sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ, sản phẩm bảo hiểm hưu trí, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ) chiếm tỷ trọng 2,2%.

Tính đến cuối tháng 9/2024, số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là 11.699.249 hợp đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỷ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (56,9%) và sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (24,3%).

Trong 9 tháng đầu năm, hơn 40 ngàn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho khách hàng, bao gồm quyền lợi đáo hạn bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm và các khoản chi khác.

Xuyến Chi

Tin khác