1. Tài chính

Thêm nhiều dự báo lạc quan cho tăng trưởng những tháng cuối năm

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Ngọc Hiếu, Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Trong dự báo mới nhất về triển vọng kinh tế quý 4/2023, Ngân hàng UOB Việt Nam dự kiến mức tăng trưởng GDP quý 3 có thể sẽ đạt 5,6% và 7,6% trong quý 4. ''Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức là 6,5% cho năm 2023, tốc độ tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 sẽ phải đạt trung bình hơn 9,2% so với cùng kỳ. Đây là một thách thức rất lớn trong hoàn cảnh hiện tại'' - ngân hàng này nhận định.

UOB cũng dự báo giá USD dao động quanh mức 24.500 VND/USD trong quý 4/2023, và giảm dần về mức 24.000 VND/USD vào quý 1/2024.

Động lực tăng trưởng vẫn chậm trong quý 3 năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 9 trong 10 tháng qua, trong đó xuất khẩu sang Mỹ (thị trường lớn nhất chiếm 28% tổng xuất khẩu) đã giảm 9 tháng trong 10 tháng qua (tháng 8 giảm 9,4%). Tương tự, nhập khẩu chứng kiến 10 tháng giảm liên tiếp… Theo UOB, từ những kết quả này, triển vọng trong những tháng còn lại của năm, tốc độ tăng trưởng GDP có thể sẽ gặp nhiều thách thức vì những dữ liệu mới nhất được công bố chưa thật sự ấn tượng.

Cùng nhận định trên, mới đây, đại diện của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay gặp khó khăn và sẽ phục hồi tốt hơn vào năm 2024.

OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay gặp khó khăn nên hạ xuống 4,9% và 5,9% vào năm 2024. Tuy nhiên, tổ chức này đánh giá tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tích cực của Việt Nam đã và đang góp phần cải thiện an sinh xã hội trong những năm gần đây; đồng thời nền kinh tế cũng cho thấy khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.

Trong khi đó Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý 3 của Việt Nam đạt 5,1%, tăng so với mức 4,1% trong quý 2. Trong tháng cuối cùng của quý 3, ngân hàng này cho biết, dữ liệu có thể sẽ cải thiện đôi chút so với tháng 8 nhờ doanh số bán lẻ.

Tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 9 được kỳ vọng duy trì mạnh ở mức 8,2% so với cùng kỳ; xuất khẩu được dự đoán giảm 6,2%; nhập khẩu giảm 7%; tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng lên 3,2%. Thặng dư thương mại có thể thu hẹp xuống 1,3 tỷ USD Mỹ. Lạm phát có thể tăng trở lại lên 3,2% so với cùng kỳ (lạm phát tháng 8 đạt 3%).

Nhận định về bức tranh kinh tế, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 và 8 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng xu hướng “kinh tế tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước” tiếp diễn trong các tháng gần đây sẽ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế quý 3/2023 cũng như cả năm.

Bộ trưởng cũng lưu ý, sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ năm 2022, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trương Huyền

Tin khác