1. Tài chính

Thanh toán không tiền mặt, thanh toán thẻ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thanh toán thẻ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ và trong đời sống hàng ngày. Trước đây, khi nói tới thanh toán thẻ, TTKDTM chỉ thấy ở siêu thị lớn, giờ chúng ta có thể thấy ở mọi nơi, mọi hoạt động thường nhật. Mọi hoạt động kinh tế đều liên quan tới thanh toán, từ mua tới bán dịch vụ, nhận và trả tiền…

Hiện cả nước có hơn 100 triệu thẻ đã được phát hành tới người dùng, nhiều hình thức thẻ mới ra đời, tiêu chuẩn bảo mật ngày càng nâng cao. Đặc biệt, số hóa thẻ ngân hàng để khách hàng không cần cầm thẻ vật lý, tránh rủi ro mất mát, bị lợi dụng... đang là xu hướng được yêu thích. Một số ngân hàng đang giảm phí rất mạnh, có loại thẻ giảm tới 50% để hỗ trợ thanh toán thẻ, đặc biệt thẻ mang thương hiệu quốc tế…

Có thể thấy, các giải pháp từ cơ chế chính sách, kỹ thuật, kinh tế đã cơ bản đầy đủ để khuyến khích phát triển thanh toán thẻ, không dùng tiền mặt. Theo Phó Thống đốc NHNN, giải pháp gì cũng cần đảm bảo tiện dụng, dễ dùng, và tiếp đó phải thấy có lợi ích về kinh tế, bên cạnh đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, NHNN đã chủ động nghiên cứu, ban hành và trình ban hành nhiều quy định kịp thời, phù hợp nhằm thúc đẩy TTKDTM nói chung và thanh toán thẻ nói riêng. Trên cơ sở đó, thời gian qua, các ngân hàng đã tập trung đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán số, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, đa năng, tiện ích, đảm bảo an ninh an toàn đồng thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Nhiều hình thức thanh toán mới, hiện đại đang được các ngân hàng nghiên cứu, triển khai phát triển tại thị trường Việt Nam như thanh toán bằng thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless), thanh toán NFC, thanh toán qua mã QR, thương mại điện tử qua ứng dụng Mobile Banking, Internet Banking… kết hợp với các giải pháp xác thực khách hàng qua sinh trắc học, bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC).

Trong 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch TTKDTM tăng 51,19% về số lượng; qua kênh Internet tăng 66,46% về số lượng và 4,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 63,09% về số lượng và 8,79% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 124,15% về số lượng và 16,12% về giá trị…

NHNN xác định một số định hướng, giải pháp chính phát triển TTKDTM nói chung, đẩy mạnh thị trường thẻ nói riêng trong thời gian tới, trong đó có việc tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử, nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ nhằm khuyến khích phát triển thanh toán điện tử, hạn chế sử dụng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán.

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến tham luận hướng tới việc đánh giá hoạt động thẻ tại thị trường Việt Nam, nêu lên các vướng mắc và đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy mạnh TTKDTM, thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán điện tử đến đông đảo người dân; đồng thời, đưa ra nhận định về xu hướng thanh toán trong tương lai.

MAI AN

Tin khác