Tập đoàn Hà Đô (HDG) dưới thời Chủ tịch Nguyễn Trọng Thông: Vay nợ 5.100 tỷ, mỗi ngày 'gánh' 2 tỷ tiền lãi vay
Tập đoàn Hà Đô bầu Chủ tịch và Tổng Giám đốc mới
Biến động về nhân sự cấp cao của CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) đã được đưa ra trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024. Trong đó ông Nguyễn Trọng Thông đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT sau 30 năm gắn bó với tập đoàn.
Bên cạnh vai trò Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hà Đô, ông Thông còn giữ vai trò chủ tịch tại một loạt công ty con bao gồm: CTCP Năng lượng Agrita Quảng Nam, CTCP Đầu tư BĐS Bình An Riverside, CTCP Minh Long Đông Sài Gòn,CTCP Hà Đô 756 Sài Gòn, CTCP ZaHưng... Trong cơ cấu cổ đông của Tập đoàn Hà Đô, ông Thông vẫn đang nắm giữ 31,83% vốn điều lệ.
Trong ngày 3/10/2024 vừa qua, Tập đoàn Hà Đô đã chính thức miễn nhiệm ông Nguyễn Trọng Thông và bầu ông Lê Xuân Long giữ vị trí Chủ tịch HĐQT cho nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trọng Minh, Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc, đồng thời là con trai ông Nguyễn Trọng Thông cũng đã được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc.
Việc chuyển giao các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn Hà Đô diễn ra trong bối cảnh đơn vị đang đi xuống rõ rệt trong hoạt động kinh doanh. Doanh thu và lợi nhuận bị ảnh hưởng của thị trường bất động sản, đều có những dấu hiệu không mấy tích cực.
Dưới thời chủ tịch Nguyễn Trọng Thông, Hà Đô 4 năm doanh thu đi lùi, lợi nhuận chạm đáy
Nhìn lại hoạt động của Hà Đô trong 4 năm vừa qua dưới thời Chủ tịch Nguyễn Trọng Thông, có thể thấy doanh thu thuần của đơn vị liên tục đi xuống. Từ mức 4.999 tỷ đồng tại năm 2020, qua từng năm doanh thu Hà Đô giảm dần xuống chỉ còn 2.889 tỷ đồng tại năm 2023.
Bù lại, lợi nhuận vẫn được duy trì trên 1.300 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2022. Tuy nhiên, trong năm 2023, lợi nhuận công ty đã giảm chạm đáy 866 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại.
Đà giảm của doanh thu tiếp tục trong 6 tháng đầu năm 2024. Doanh thu thuần chỉ đạt 1.397,7 tỷ đồng, giảm hơn 162,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp theo đó cũng từ 885 tỷ giảm xuống chỉ còn 700,8 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính chiếm gần 21 tỷ, chi phí tài chính đã tiết giảm nhưng vẫn chiếm tới 200,8 tỷ đồng. Trong đó có 176 tỷ đồng là chi phí lãi vay. Điều này cũng cho thấy hoạt động vay nợ đang gây áp lực lớn tới kết quả kinh doanh của Hà Đô.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt chiếm 2 tỷ và 85,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế mang về đạt 362,9 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ.
Vay nợ hơn 5.000 tỷ, Hà Đô đang phải trả lãi bao nhiêu?
Về cơ cấu tài sản, Tập đoàn Hà Đô ghi nhận tổng tài sản đạt 14.028,3 tỷ đồng tại cuối Quý 2/2024. Trong đó Tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 472,3 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với đầu năm. Công ty cũng đang có khoản tiền gửi ngắn hạn 148,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Hà Đô đang tăng cường danh mục đầu tư chứng khoán, giá trị đầu tư đã tăng từ 386,6 tỷ đồng lên 539,2 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, phần lớn tài sản công ty nằm dưới dạng tài sản cố định, chiếm 8.784 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, Hà Đô đang ghi nhận nợ phải trả chiếm 6.601, tỷ đồng. Trong đó bao gồm 624,5 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 4.527 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Như vậy, tổng nợ vay ngắn và dài hạn đã lên tới hơn 5.100 tỷ đồng.
Với khoản nợ hơn 5.100 tỷ đồng này, trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Đô đã phải chi tới 177,2 tỷ đồng để trả tiền lãi vay, tương đương mỗi ngày công ty phải chi gần 2 tỷ đồng trả lãi, chưa tính nghĩa vụ trả gốc.
Bích Diễm