Tập đoàn Hà Đô (HDG) đặt mục tiêu lợi nhuận 1.057 tỷ đồng năm 2025, gấp 2,4 lần năm trước
Theo tài liệu dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm tài chính 2024, Tập đoàn Hà Đô đặt kế hoạch kinh doanh hợp nhất cho năm 2025 với doanh thu 2.936 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.057 tỷ đồng.
So với kết quả thực hiện năm 2024, mục tiêu doanh thu chỉ tăng nhẹ 8%, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại cao gấp 2,4 lần. Sự chênh lệch lớn này cho thấy kỳ vọng của ban lãnh đạo vào sự cải thiện mạnh mẽ về biên lợi nhuận trong năm tới.
Kết thúc năm tài chính 2024, Hà Đô ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.717 tỷ đồng, hoàn thành 93,82% kế hoạch năm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 447 tỷ đồng, cách khá xa mục tiêu đề ra và chỉ tương đương 45,7% chỉ tiêu cả năm.
Giải trình về kết quả này, báo cáo của Hà Đô cho biết, dù mảng kinh doanh khách sạn, văn phòng, các mặt bằng cho thuê và dịch vụ quản lý bất động sản vẫn mang lại nguồn thu ổn định, nhưng việc chưa thể thực hiện mở bán phần còn lại của dự án Hà Đô Charm Villas như kế hoạch đã khiến công ty chỉ hoàn thành 45% mục tiêu thu hồi vốn từ mảng bất động sản, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận chung.
Bước sang năm 2025, định hướng chiến lược của Hà Đô là tập trung nguồn lực để đẩy mạnh bán hàng, thu hồi vốn tại các dự án bất động sản hiện hữu. Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ tiếp tục tìm kiếm, phát triển thêm các dự án nhà ở thương mại mới tại các địa phương, đồng thời tăng cường hoạt động môi giới và quản lý vận hành dự án cho các đối tác bên ngoài. Việc tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết tồn đọng tại các dự án đã đầu tư, đặc biệt là các dự án tại Linh Trung và quận 8 (TPHCM) theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết 98, cũng được ưu tiên. Công tác pháp lý cho các dự án mới tại Thái Bình, Yên Bái, Tân Uyên (Bình Dương) và xúc tiến dự án tại Cần Thơ, Long An sẽ được đẩy nhanh.
Trong lĩnh vực năng lượng, năm 2024 được xem là một năm thành công khi sản lượng phát điện của khối này vượt 15% kế hoạch, đóng góp 1.891 tỷ đồng doanh thu. Hà Đô cho biết kết quả này có được nhờ việc làm chủ công nghệ, vận hành hiệu quả và điều kiện thời tiết thuận lợi. Đáng chú ý, đến cuối năm 2024, công ty đã cơ bản loại bỏ được điều khoản ràng buộc về cắt giảm công suất đối với dự án điện gió 7A.
Tuy nhiên, mảng năng lượng vẫn còn một số tồn tại cần giải quyết. Dự án điện mặt trời Hồng Phong 4 (Bình Thuận) xây dựng trên đất quy hoạch dự trữ khoáng sản titan đã bị tạm dừng thanh toán tiền điện từ tháng 8-2023. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương tháo gỡ cho dự án này. Một dự án khác là điện mặt trời Infra 1 (Ninh Thuận) vẫn đang chờ Bộ Công Thương chấp thuận kết quả nghiệm thu cuối cùng sau ngày vận hành thương mại (COD). Kế hoạch năm 2025 của mảng năng lượng là duy trì sản xuất ổn định tại các nhà máy hiện hữu, đồng thời tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các dự án điện gió, điện mặt trời đã khảo sát để chuẩn bị năng lực tham gia đấu thầu.
Song song đó, Hà Đô cũng đang trong quá trình bổ sung mảng bất động sản khu công nghiệp vào danh mục hoạt động kinh doanh cốt lõi. Công ty cho biết đã được các tỷnh Hưng Yên, Long An và Ninh Thuận tạo điều kiện nghiên cứu lập quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Việc tìm kiếm, phát triển các dự án khu công nghiệp, nước sạch và logistics sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2025.
Về chính sách phân phối lợi nhuận, Hội đồng quản trị Hà Đô dự kiến trình ĐHĐCĐ phương án chia cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%. Đối với năm tài chính 2025, tỷ lệ cổ tức dự kiến được nâng lên 15%, tuy nhiên phương án chi trả cụ thể (tiền mặt hay cổ phiếu) sẽ được Hội đồng quản trị quyết định vào thời điểm thích hợp.
Khánh Ly