Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) ước lãi sau thuế 9 tháng 2.386 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch năm
Tại buổi làm việc của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với GVR ngày 30/09, ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc GVR cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu và thu nhập khác hợp nhất Tập đoàn ước đạt 16.207 tỷ đồng, đạt 64,8% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế và sau thuế hợp nhất lần lượt ước đạt 2.850 tỷ đồng và 2.386 tỷ đồng, đồng loạt đạt 69% kế hoạch năm.
Ước cả năm 2024, doanh thu và thu nhập khác hợp nhất đạt 26.307 tỷ đồng (vượt 5,23% kế hoạch năm), lợi nhuận trước thuế hợp nhất 4.450 tỷ đồng (vượt 8% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 3.746 tỷ đồng (vượt 9% kế hoạch).
Tại Công ty mẹ – Tập đoàn, 9 tháng đầu năm 2024 doanh thu và thu nhập khác thực hiện 2.413 tỷ đồng (bằng 60,5% kế hoạch); lợi nhuận trước thuế/lợi nhuận sau thuế là 1.011 tỷ đồng (bằng 69,5% kế hoạch). Ước cả năm 2024, doanh thu và thu nhập khác 4.287 tỷ đồng (vượt 7,5% kế hoạch) và lợi nhuận trước thuế/lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.670 tỷ đồng (vượt 14,87% kế hoạch).
Ông Lê Thanh Hưng đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2024, do các yếu tố khách quan về biến đổi khí hậu, đặc biệt là nắng hạn kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản lượng mủ thu hoạch và tình trạng thiếu lao động cục bộ ở một số khu vực và giá cả, chi phí đầu vào cho sản xuất liên tục tăng nên hoạt động sản xuất kinh doanh nửa đầu năm của Tập đoàn có khó khăn khi các chỉ tiêu không cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2023.
Bước vào quý III, cao su đã vào mùa vụ khai thác chính trong năm, cộng với diễn biến giá cao su có tín hiệu phục hồi tích cực hơn so với dự báo kế hoạch. Nguyên nhân do nguồn cung yếu suy giảm bất thường tại các nước sản xuất chính tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia; và nhu cầu mua tăng lên hơn từ hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ nên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh chính, cốt lõi trong lĩnh vực cao su của Tập đoàn gặp nhiều thuận lợi.
Tuy nhiên, năm 2024, các lĩnh vực khác ngoài cao su trong năm 2024 rất khó khăn do tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực, gây mất ổn định làm đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số mặt hàng và ngành mà Tập đoàn đang hoạt động.
Sang năm 2025, GVR dự báo kinh tế - xã hội thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp khó dự báo; kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nền kinh tế lớn phục hồi chậm; tình trạng lạm phát tại một số quốc gia trên thế giới; biến động giá cả hàng hóa thế giới (xăng dầu, vàng…), thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… diễn biến khó lường.
Theo đó, so với ước thực hiện năm 2024, sang năm 2025, GVR đặt mục tiêu doanh thu và thu nhập khác hợp nhất khoảng 27.490 tỷ đồng, tăng 4,5%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.632 tỷ đồng, tăng 4,10% và lợi nhuận hợp nhất sau thuế là 3.900 tỷ đồng, tăng 4,1%.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/09, cổ phiếu GVR giảm 0,69%, về mức 35.750 đồng/CP.
Kiều Trang