Vài năm trước, cái tên Hoa Tây được truyền thông ca tụng là "ngôi làng giàu nhất Trung Quốc". Ngôi làng này được thành lập bởi ông Wu Renbao vào năm 1951 với diện tích khoảng 96 ha. Tính đến năm 2009, ngôi làng này có khoảng gần 3.000 cư dân sinh sống. Ở đây, họ được tặng nhà, xe và thậm chí còn dùng trực thăng như taxi để đi lại. Ảnh: Lovepick.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của quá khứ. Làng Hoa Tây giờ ngập trong nợ nần. Gần đây, một video đã ghi lại cảnh dân làng đội mưa để đi đòi lại tiền đã gây chú ý trên mạng xã hội. Video được xác nhận là có thật. Vậy chuyện gì đã xảy ra với làng Hoa Tây? Ảnh: Xcitefun.
Ở đây, người dân sống nhờ lợi tức cổ phiếu. Tuy nhiên, từ năm 2017, các khó khăn tài chính ập đến. Tập đoàn Hoa Tây đã nợ tới hơn 40 tỷ nhân dân tệ (khoảng 5,5 tỷ USD). Theo Think China, cổ tức của các cổ đông giảm từ 30% xuống còn 0,5%. Hàng trăm người dân sinh sống ở đây đã phải xếp hàng để lấy lại tiền gốc của họ từ tập đoàn Hoa Tây. Ảnh: China Daily.
Sự giàu có nhanh chóng của làng Hoa Tây gói gọn trong cái tên Wu Renbao - người lãnh đạo cộng đồng dân cư địa phương trong việc phát triển công nghiệp vào những năm 1960. Sau khi Trung Quốc cải cách và mở cửa, Wu Renbao đã đưa làng Hoa Tây lên như diều gặp gió bằng việc phát triển ngành công nghiệp sắt thép. Ảnh: Nikkei.
Đến đầu thế kỷ 21, tập đoàn Hoa Tây có tới hơn 100 công ty con trong nhiều lĩnh vực gồm sắt thép, kim loại màu, thuốc lá và bất động sản. Đến năm 2004, mức lương bình quân đầu người hàng năm của dân làng Hoa Tây cao gấp gần 42 lần thu nhập bình quân đầu người của nông dân trong nước và gấp 13 lần mức lương bình quân đầu người của cư dân thành thị. Ảnh: Trip.
Sự thịnh vượng của Hoa Tây thể hiện ở việc mỗi hộ đều có ít nhất một ngôi nhà khang trang theo kiến trúc châu Âu. Trong tài khoản tiết kiệm của họ đều có ít nhất 250.000 USD và mỗi nhà sở hữu 2 chiếc ôtô sang trọng. Dịch vụ y tế, giáo dục đều miễn phí. Đổi lại, người dân phải làm việc cật lực trong các khu công nghiệp. Nếu chọn rời đi, họ sẽ mất tất cả. Ảnh: iStock.
Các thông tin về làng Hoa Tây khá ít ỏi. Theo nhiều nguồn tin, người dân không được phép chia sẻ về cuộc sống với truyền thông. Sau khi ông Wu Renbao mất năm 2013, các thành viên khác trong gia tộc này tiếp quản nhiều vị trí quan trọng trong làng. Tờ Think China gọi Hoa Tây là "một thế giới phong kiến do gia tộc họ Wu cai trị". Ảnh: Think China.
Tuy nhiên, khủng hoảng nợ nần ngày càng trầm trọng khiến những người dân mất niềm tin vào gia tộc lãnh đạo. Ngôi làng hoạt động như một công ty gia đình này đang vật lộn để chuyển mình. Việc Hoa Tây có thể tồn tại bao lâu nữa là dấu hỏi lớn lúc này. Ảnh: Webneel.
Hoài Anh
Tin khác