1. Chứng khoán

SSI quý 3/2024: Mảng môi giới sụt giảm, nhắm 'trúng' một cổ phiếu ngân hàng

Doanh thu môi giới của SSI sụt giảm trong quý 3/2024.

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ quý 3/2024 của CTCP Chứng khoán SSI (mã SSI), doanh nghiệp đạt doanh thu hoạt động đạt gần 1.975 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về các mảng kinh doanh chính, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) mang về 990 tỷ đồng, tăng 32%; lãi từ các khoản lãi cho vay, phải thu đạt gần 549 tỷ đồng, tăng 27%.

Ngược lại, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới sụt giảm 36% so với cùng kỳ, đạt 340 tỷ đồng; lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng giảm mạnh 46%, đạt 61 tỷ đồng.

Doanh thu tăng nhưng chi phí hoạt động của SSI lại giảm nhẹ so với cùng kỳ, ở mức 618 tỷ đồng. Lý do chủ yếu là do chi phí môi giới giảm.

Theo giải trình của SSI, doanh thu môi giới giảm là do trong kỳ, quy mô giao dịch của thị trường giảm. Thực tế, thị phần môi giới của SSI trên HoSE đã giảm xuống mức 8,84% trong quý 3/2024, so với 9,31% tại quý 2 liền trước. Công ty vẫn đứng thứ hai trong Top 10 doanh nghiệp có thị phần môi giới lớn nhất, sau VPS.

Khép lại quý 3/2024, SSI lãi sau thuế 750 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty chứng khoán mang về tổng doanh thu hoạt động 6.140 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 2.878 tỷ đồng, tăng 38%; lợi nhuận sau thuế đạt 2.313 tỷ đồng, tăng 37%.

Năm 2024, SSI đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19%. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất của SSI từ trước đến nay. Con số lợi nhuận nhỉnh hơn so với 3.365 tỷ đồng đạt được năm 2021 khi thị trường chứng khoán bùng nổ, các mảng kinh doanh đều thuận lợi.

Như vậy sau 9 tháng, doanh nghiệp đã hoàn thành 76% mục tiêu doanh thu và 85% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tại thời điểm cuối quý 3/2024, tổng tài sản của SSI ở mức hơn 65.300 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay gần 19.500 tỷ đồng, tăng gần 30% so với đầu năm.

Danh mục tài sản FVTPL giảm 15% so với đầu năm còn gần 37.000 tỷ đồng. Công ty giảm mạnh tỷ trọng chứng chỉ tiền gửi gần 30%, về còn 20.900 tỷ đồng. Trái phiếu nắm giữ gần 13.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.

Ngược lại, tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục FVTPL tăng đáng kể. Giá trị cổ phiếu công ty nắm giữ tăng hơn 70% lên 1.745 tỷ đồng, tạm lãi 64 tỷ đồng. Trong đó, VPB chiếm tỷ trọng lớn nhất (854 tỷ đồng) và cũng đang cho mức sinh lời tốt nhất (tạm lãi 5%). SSI chi mạnh gom vào cổ phiếu ngân hàng này trong quý 2/2024.

Các mã đầu tư chiếm tỷ trọng lớn khác là HPG (105,8 tỷ đồng, tạm lỗ 0,6%), TCB (91,8 tỷ đồng, tạm lãi 4,5%), VHM (91,5 tỷ đồng, tạm lãi 0,1%).

Nợ phải trả của công ty ở mức hơn 42.000 tỷ đồng, giảm gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm; chủ yếu là vay nợ ngắn hạn tại các ngân hàng. Vốn chủ sở hữu đạt hơn 23.300 tỷ đồng, gồm gần 18.130 vốn góp của chủ sở hữu, gần 4.900 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Cuối tháng 9 vừa qua, SSI đã hoàn thành phương án phát hành hơn 300 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 18.000 tỷ đồng - giành lại “ngôi vương” vốn điều lệ ngành chứng khoán từ VNDirect.

Phạm Ngọc

Tin khác