1. Chứng khoán

SSI nêu 3 yếu tố đang thuận lợi cho thị trường chứng khoán

Ảnh minh họa

Chứng khoán SSI vừa phát hành báo cáo chiến lược tháng 10/2024 với chủ đề “Đón đầu dòng chảy”.

Về vĩ mô, SSI cho rằng số liệu quý 3/2024 thể hiện sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. GDP bất ngờ ghi nhận mức tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái - vượt xa kỳ vọng và cho thấy ảnh hưởng của bão Yagi lên tăng trưởng là không lớn. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,82% và xu hướng phục hồi luân phiên duy trì.

Sản xuất chế biến chế tạo ghi nhận đà mở rộng mạnh khi cả chỉ số sản xuất IIP hay xuất khẩu đều tăng trưởng hai chữ số. Dòng vốn FDI tiếp tục xu hướng khả quan trong khi tỷ lệ giải ngân đầu tư công tương đối chậm. Các cân đối vĩ mô được đảm bảo: Lạm phát bình quân đạt 3,88% - nằm trong mức mục tiêu của Chính phủ, tỷ giá ổn định trong tháng 9 và thanh khoản dồi dào giúp lãi suất trên cả thị trường 1 và thị trường 2 ổn định…

Với số liệu tích cực của tăng trưởng trong quý 3, SSI cho rằng việc đạt được kịch bản tăng trưởng 6,5% - 7% cho năm 2024 là khả thi. Trong tháng 10, tâm điểm sẽ đến từ kỳ họp Quốc hội với việc sửa đổi các Luật quan trọng như Luật Thuế VAT, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hay một luật sửa đổi nhiều luật, trong đó có Luật Chứng khoản và các luật liên quan đến đầu tư công.

Về thị trường chứng khoán (TTCK), trong kỳ họp tháng 9, Fed đã hạ lãi suất 0,5% nhiều hơn dự kiến, đưa lãi suất điều hành về mức 4,75% - 5%. TTCK Mỹ theo đó tiếp tục vượt qua biến động và các chỉ số cổ phiếu liên tục lập đỉnh lịch sử mới. S&P 500 đóng cửa tăng 2% trong tháng.

Tại Châu Á, TTCK Trung Quốc tăng nổi bật trong tháng 9. Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp kích thích nhằm đưa kinh tế nước này quay lại mục tiêu tăng trưởng. Chỉ số Shanghai tăng đến 21,4% trong 5 phiên sau khi gói kích thích được công bố và khép lại tháng 9 với mức tăng 17,4%.

Các TTCK khác như Nhật, Hàn Quốc và một số TTCK Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia lại có một tháng không thành công. Điểm sáng ở Đông Nam Á trong tháng vừa qua ghi nhận ở các thị trường Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Trong tháng 9 vừa qua, VN-Index hồi phục nhanh sau nhịp biến động giảm gần 52 điểm trong hai tuần đầu tháng do tác động từ TTCK Mỹ và trong nước là lo ngại do cơn bão Yagi. Chỉ số đóng cửa phiên 30/9 tại 1.287,9 điểm, tăng 4 điểm (+0,3%) và cao hơn 4% từ mức điểm thấp nhất.

Đáng chú ý, dòng tiền từ khối ngoại đảo chiều mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trong tháng 9, đánh dấu tháng mua ròng khớp lệnh tốt nhất kể từ tháng 4/2023. Động thái quay lại mua ròng của khối ngoại được kỳ vọng đẩy mạnh khi Fed tiến dần đến chu kỳ nới lỏng và khi các nút thắt giao dịch cho nhà đầu tư ngoại trong quá trình nâng hạng dần được tháo gỡ.

Khối ngoại có tháng mua ròng khớp lệnh tốt nhất kể từ tháng 4/2023. Nguồn: SSI

Theo SSI, TTCK Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để tiếp tục đi lên trong quý 4/2024 và năm 2025, với 3 yếu tố hỗ trợ chính.

Thứ nhất, tâm lý đầu tư vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu ở trạng thái tích cực hơn sau động thái giảm lãi suất của Fed trong tháng 9 và số liệu kinh tế Mỹ đang nghiêng nhiều ở kịch bản “hạ cánh mềm”. Nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng hưởng lợi từ các biện pháp kích cầu mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.

Thứ hai, lợi nhuận của các công ty niêm yết trong danh sách theo dõi của SSI được dự báo sẽ tăng 15,5% trong năm 2024 và tiếp tục tăng 19,6% trong 2025. Tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp tục mở rộng ra nhiều nhóm ngành. Trong ngắn hạn, tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2024 có thể đạt 21,7%, tăng tốc đáng kể so với mức 6,2% trong 6 tháng đầu năm.

Thứ ba là lợi thế định giá. Các TTCK Đông Nam Á được kỳ vọng hưởng lợi từ phân bổ lại dòng vốn khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng lãi suất thì yếu tố định giá hấp dẫn có thể là một yếu tố thu hút dòng tiền. P/E ước tính 1 năm của VN-Index tăng lên 12 lần vào ngày 4/10/2024, cao nhất từ cuối tháng 1/2024; phản ánh kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cho giai đoạn nửa cuối 2024 và năm 2025. Dù vậy, định giá thị trường Việt Nam vẫn thấp hơn so với một số TTCK khu vực Đông Nam Á, một trong các điểm mấu chốt để cạnh tranh thu hút trở lại dòng vốn ngoại.

Định giá P/E TTCK Việt Nam mở rộng lên mức cao nhất từ tháng 1/2024 nhưng vẫn đang thấp hơn các nước trong khu vực.

Về rủi ro, đơn vị phân tích lưu ý đến căng thẳng địa chính trị leo thang, biến động từ kỳ bầu cử Mỹ; nền kinh tế và lợi nhuận các công ty niêm yết không phục hồi như kỳ vọng; biến động tăng của tỷ giá khi USD hồi phục trở lại.

Phạm Ngọc

Tin khác