So sánh các cổ phiếu công nghệ lớn hiện nay và thời bong bóng 'dotcom'
Nhóm 7 cổ phiếu công nghệ lớn nhất (Magnificent 7) gồm Apple, Microsoft, Google, Amazon, Meta, Tesla và Nvidia, hiện thống trị thị trường chứng khoán Mỹ với tỷ trọng 30% tổng giá trị vốn hóa thị trường. Đa số các công ty này đều có vốn hóa nghìn tỷ USD và vượt xa phần còn lại của thị trường.
Dù các công ty này ngày càng củng cố vai trò trong cuộc sống hàng ngày, với trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… sự thống trị này gợi nhớ về bong bóng công nghệ vào đầu những năm 2000 và làm dấy lên hoài nghi về tính bền vững.
Đồ thị thông tin dưới đây so sánh tình hình tài chính của các cổ phiếu thuộc Magnificent 7 với 7 cổ phiếu lớn nhất thị trường chứng khoán Mỹ trong bong bóng công nghệ năm 2000. Dữ liệu về cổ phiếu Magnificent 7 tính tới ngày 5/9/2024, còn dữ liệu về cổ phiếu trong bong bóng công nghệ tính tới ngày 24/3/2000.
Từ đây có thể thấy, nhóm Magnificent 7 hiện chiếm hơn 30% thị trường chứng khoán Mỹ, cao hơn tỷ trọng 19% của nhóm 7 cổ phiếu công nghệ lớn nhất vào năm 2000. Theo các nhà phân tích, sự tập trung của thị trường vào một nhóm nhỏ cổ phiếu này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, dù 7 mã trong nhóm này hiện duy trì mức tăng trưởng tương đối mạnh.
So với nhóm 7 cổ phiếu lớn nhất năm 2000, Magnificent 7 có biên lợi nhuận cao hơn, dự trữ tiền mặt lớn hơn và được định giá ở mức hấp dẫn hơn (được thể hiện ở tỷ lệ P/E dự phóng thấp hơn).
Tuy nhiên, tỷ lệ P/E dự phóng thấp có thể bắt nguồn từ các chương trình mua lại cổ phiếu của nhóm Magnificent 7 (trừ Tesla và Amazon). Việc mua lại cổ phiếu đẩy lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) tăng lên nhờ giảm số lượng cổ phiếu lưu thông. Trong Magnificent 7, Apple có chương trình mua lại cổ phiếu lớn nhất, với tổng giá trị 83 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2024. Con số này tương đương 2,8% vốn hóa thị trường của công ty trong giai đoạn này.
Đức Anh