Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tháng 9 giảm 50% so với tháng 8
Trong đó, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước là 158.212 tài khoản, số tài khoản cùa nhà đầu tư tổ chức mở mới là 90 tài khoản.
Đây là tháng có số lượng tài khoản mở mới thấp nhất kể từ tháng 3/2024 đến nay và bằng một nửa so với số tài khoản mở mới trong tháng 8 vừa qua. Tính từ đầu năm đến nay, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới là 1,57 triệu tài khoản. Trung bình mỗi tháng, nhà đầu tư cá nhân mở mới 174.000 tài khoản giao dịch chứng khoán.
Tính đến cuối tháng 9, nhà đầu tư cá nhân có tổng cộng hơn 8,8 triệu tài khoản, tương đương gần 9% dân số. Con số này đưa chứng khoán Việt Nam đến gần mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Số lượng tài khoản chứng khoán tăng chậm lại trong bối cảnh thị trường liên tục gặp khó trước ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm. Nhiều lần thất bại trong việc chinh phục mốc điểm này phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, việc siêu bão Yagi càn quét gây ảnh hưởng mạnh tới kinh tế khu vực miền Bắc cùng với những sự kiện trên thế giới như Fed hạ lãi suất, lo ngại suy thoái kinh tế Mỹ cũng khiến nhà đầu tư lo ngại.
VN-Index tăng nhẹ trong tháng 9, tuy nhiên mức tăng không đáng kể. Đáng chú ý, giao dịch trên thị trường rất ảm đạm với thanh khoản xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng. Dòng tiền nội hạ nhiệt là nguyên nhân chính khiến giao dịch trên thị trường kém sôi động dù có nhiều luồng thông tin hỗ trợ tích cực.
Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 17.737 tỷ đồng trong tháng 9. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 15.109 tỷ đồng, giảm 8,5% so với mức bình quân tháng 8 và giảm 24,7% so với mức bình quân 5 tháng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhà đầu tư cá nhân bán ròng tháng thứ 2 liên tiếp, sau khi duy trì mua ròng 6 tháng trước đó. Nhà đầu tư cá nhân mua ròng 5.344,5 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng khớp lệnh 2533.8 tỷ đồng.
Tự doanh bán ròng 2.280,9 tỷ đồng tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 163.5 tỷ đồng. Nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng 952,2 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 1365.8 tỷ đồng.
Về phía nhà đầu tư nước ngoài, số lượng tài khoản tăng 202 đơn vị trong tháng 9, thấp hơn so với mức tăng 255 tài khoản của tháng 8, trong đó cá nhân tăng 180 tài khoản, tổ chức tăng 22 tài khoản. Số tài khoản nhà đầu tư nước ngoài hiện đạt 47.206 tài khoản. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2.111,6 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 1.004,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, xu hướng đã đảo chiều khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng từ đầu tháng 10. Việc cởi bỏ nút thắt prefunding giúp Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu nâng hạng được đánh giá có tác động tích cực đến dòng vốn ngoại, bên cạnh các yếu tố mang tính kỹ thuật về chênh lệch lãi suất.
Trong báo cáo mới đây, ACBS kỳ vọng FTSE sẽ thêm Việt Nam vào danh sách Thị trường mới nổi Thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 3/2025 và sau khoảng 1 năm, việc nâng hạng chính thức có hiệu lực và các quỹ chỉ số ETF sẽ bắt đầu mua cổ phiếu Việt Nam.
Việc nâng hạng lên Thị trường mới nổi sẽ là cột mốc đáng kể để thị trường chứng khoán Việt Nam được công nhận là thị trường có khả năng tiếp cận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Dự kiến, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,7-0,9% danh mục Thị trường mới nổi Thứ cấp của FTSE và Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn 500-600 triệu USD từ các quỹ mô phỏng chỉ số, chưa kể dòng vốn từ các quỹ chủ động ”, theo ACBS.
Châu Anh